Trồng cây ăn quả làm du lịch
Chủ tịch xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) Bùi Đức Văn cho biết, từ năm 2019 tới nay, mỗi vụ thu hoạch cây ăn trái, thôn Ngọt đón hàng ngàn lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Khách mua nguyên cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch, có thể là vải, nhãn, cam, bưởi – mùa nào thức nấy, sau đó tự trèo hái, thu hoạch, tự tay trẩy những loại quả sạch đã được người dân cả năm chăm sóc theo quy trình hữu cơ, VietGap…
Ngoài những thùng trái cây ăm ắp mát lành mang về thành phố, họ còn được sở hữu những bức ảnh – những khoảnh khắc trải nghiệm đẹp của cả gia đình sau mấy ngày nghỉ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những du khách quen thuộc của vùng vải Lục Ngạn. Năm 2019, một lần lên Lục Ngạn thăm người thân ở thôn Ngọt (xã Hồng Giang) đúng mùa vải chín đỏ trên những quả đồi vùng trung du, vợ chồng chị và 3 đứa con được tham gia thu hoạch vải cùng bà con, được thưởng thức hương vị ngọt thanh của thứ vải chính vụ ngay tại khu vườn, một cảm giác mới mẻ, đầy hào hứng lan tỏa…
“Chuyến đi mấy ngày của gia đình rất ý nghĩa, các con được giáo dục trải nghiệm. Lần đầu tiên chúng biết những quả vải bố mẹ mang về nhà dưới thành phố được trồng từ đâu, trồng như thế nào, người nông dân phải vất vả chăm sóc ra sao. Hay ngay cả cách trèo cây, bẻ quả, cách dùng sào có đầu móc bẻ xoắn những chùm vải trên cao, đó là những kỹ năng sống rất mới lạ với trẻ con thành thị.
Sau chuyến đi, tôi thấy các con có sự thay đổi lớn. Chúng biết trân trọng giá trị lao động, biết trân trọng những thành quả, như một thứ trái cây phải vất vả bằng thời gian, công sức như thế nào mới có được”, chị Hoa cho biết.
Sau chuyến đi đó, mỗi năm, chị lại lên kế hoạch để cả gia đình về đất vải Lục Ngạn trải nghiệm, có thể là mùa vải chín, hay là mùa thu hoạch cam, bưởi… Không chỉ là kế hoạch của riêng gia đình, chị Hoa còn lan tỏa cho bạn bè mình cùng tự tổ chức những cuộc “du lịch lao động” hai trong một đầy ý nghĩa thiết thực ấy.
Chủ tịch xã Bùi Đức Văn là người sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Giang. Nhà anh cũng có 2ha trồng vải từ thời ông cha để lại. Vườn vải của gia đình anh sạch đẹp, tươm tất, thẳng thớm, và cũng trực tiếp tham gia đón khách du lịch cùng vùng vải Hồng Giang, vùng cây ăn trái Lục Ngạn.
“Toàn xã có 521ha trồng cây ăn trái. Năm 2021, dù là cao điểm dịch, vải của xã đạt 5.000 tấn. Doanh thu từ vải của cả xã đạt 100 tỷ đồng mỗi năm. Xã có hơn 2.000 hộ trồng cây ăn trái, hiện đã có hơn 1.000 hộ thực hiện mô hình trồng cây kết hợp làm du lịch”, Chủ tịch xã Hồng Giang tự hào.
Thôn Ngọt – một thôn tập trung nhiều diện tích cây có múi nhất của xã. Toàn thôn có 147 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Sán Chỉ (một nhánh nhỏ của dân tộc Dao).
Vườn vải 3ha của ông Dư Văn Dũng nằm trên quả đồi thoai thoải hình bát úp, có tuổi đời gần 40 năm đã bắt đầu khép tán. Những lối mòn được ông tỉ mỉ dọn sạch cỏ chạy theo những triền đồi, luồn lách dưới những tán vải cổ thụ. Khi chưa kết hợp làm du lịch, nó là con đường để bà con đi làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch vải mỗi năm. Nay, con đường ấy có thêm một công năng mới – con đường du lịch của những người nông dân Bắc Giang.
Không chỉ có vải, những vườn cam, bưởi… trĩu quả ở Lục Ngạn đang là điểm thu hút du khách tìm về. Du lịch miệt vườn đang thực sự là những luồng sinh khí đầy mới mẻ, hào hứng lan tỏa trong những vườn cây trái từ trước tới nay vốn dĩ im lìm, vắng vẻ, chỉ chộn rộn vào những vụ thu hoạch.
Những người nông dân bao miệt mài lao động trong lặng lẽ, nay đang có những “ganh đua” mới, bên cạnh việc chi chút cho vườn cây của mình nặng quả, còn chăm sóc, tạo cảnh quan cho vườn mình thật đẹp, như những bông hoa đượm sắc mới gọi được bướm ong tìm về…
Tuy nhiên, không phải hộ nào trồng cây ăn trái cũng làm được du lịch. Muốn thu hút, giữ chân khách, vườn phải sạch sẽ, có điểm nhấn, có không gian…, thậm chí phải có sự đầu tư đồng bộ.
“Các cụ nói, nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Muốn làm du lịch phải có ý thức chỉnh trang, dọn dẹp vườn cây sạch đẹp, trồng cây theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại… Ngay cả lời ăn tiếng nói, hiểu biết xã hội, cách giao tiếp… của chủ vườn cũng phải có sự thay đổi, như vậy mới đón được khách, giữ được khách”, ông Văn chia sẻ.
Ông Chủ tịch xã tiếp lời, “du lịch miệt vườn” mà bà con Hồng Giang hay gọi là “du lịch vườn vải” mang lại rất nhiều cái lợi: khách tới mua cả cây, thậm chí có những khách quen cứ đầu năm khi vải vào mùa hoa đã xuống đặt mua cả cây, chủ vườn đánh số, treo biển, khi vải đến mùa đậu quả, hay xuất hiện bệnh theo mùa vụ đặc thù, chủ vườn sẽ thông báo để người đặt mua về cùng kiểm tra, chăm sóc…
Sự gắn bó với con người, thiên nhiên, sự gắn bó, kết nối với xã hội, cộng đồng qua cây vải mà thêm khăng khít. Quan trọng nhất, người nông dân Lục Nam được mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm những kinh nghiệm, kỹ năng mới không chỉ mỗi việc chăm cây, nhặt cỏ, bón phân…
Sự trỗi dậy của vựa cây ăn trái lớn nhất miền Bắc
Lục Ngạn đang là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc. Cả huyện có tổng số hơn 28.000ha cây ăn quả với nhiều loại cây đặc sản như vải thiều, nhãn, các loại cây có múi (cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Hoàng…).
Chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái thu hút khách du lịch. Mẫu mã đẹp, chất lượng cao nên trái cây Lục Ngạn đã định vị được thương hiệu trên thị trường cả nước, được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh cho biết, trong định hướng phát triển du lịch miệt vườn của địa phương, du lịch dựa vào nông nghiệp, nông thôn. Nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng các loại hình du lịch với chất lượng ổn định của điểm đến, đồng thời phát triển du lịch cũng là giải phát thúc đẩy nông thôn mới phát triển.
Tại Lục Ngạn, hoạt động du lịch dựa vào nông nghiệp bắt đầu triển khai nhỏ lẻ theo các nhóm nhỏ, tự phát từ năm 2019. Khi đó, các nhóm khách tự liên hệ về các nhà vườn, theo mùa thu hoạch cây ăn trái để có thể trải nghiệm tự tay hái trái, thưởng thức trái cây tại vườn, ngồi xe trâu tham quan miệt vườn cây trái xum xuê, tham quan vườn cây, mô hình nuôi ong, sản xuất mỳ Chũ…
Để kích cầu tạo dựng thương hiệu du lịch cho khoảng 60 vườn cây ăn quả tập trung tại các xã Nam Dương, Hồng Giang, Tân Sơn, Giáp Sơn, Giáp Quý, Thanh Hải…, Lục Ngạn đã đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân.
Huyện cũng đã xây dựng Kế hoạch 159 về tuyên truyền, xúc tiến du lịch huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021 – 2025 trong đó định hướng ứng dụng số hóa trong phát triển du lịch.
Bên cạnh vườn cây ăn trái, Lục Ngạn còn nhiều dư địa để phát triển du lịch bằng tiềm năng văn hóa bản địa của 8 dân tộc anh em, trong đó nhiều dân tộc thiểu số còn giữ được những nét văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc như các phiên chợ vùng cao Tân Sơn, hội hát Sloong hao, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao; dân ca Cao Lan xã Đèo Gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Ngoài ra, với khí hậu ôn hoà, mát mẻ, độ che phủ rừng lớn, có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái như hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn…, Lục Ngạn kỳ vọng sẽ là trung tâm du lịch miệt vườn của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
(Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)