Bộ Công Thương đề ra nhiều giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch nhằm tiến tới thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương đề ra nhiều giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch nhằm tiến tới thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu năm 2024 lập kỷ lục mới, ước đạt 783 tỉ USD, tăng 15% so với năm trước, vượt gần 3 lần kế hoạch được giao.
Câu lạc bộ tỉ đô thêm mặt hàng mới
Theo công bố của Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) năm 2024 lập kỳ tích mới, ước đạt 403 tỉ USD; nhập khẩu (NK) ước đạt 380 tỉ USD. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỉ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Với con số kỷ lục về XK, Bộ Công Thương đánh giá đây là tỉ lệ tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Đặc biệt, cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch XK; trong đó có 7 mặt hàng XK trên 10 tỉ USD, chiếm 66,5%.
Một số mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỉ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỉ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỉ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỉ USD, tăng 11,2%…
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, một số ngành công nghiệp XK (dệt may, da giày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng XK cao so với khu vực và thế giới.
Nhìn nhận hoạt động XK phục hồi, tăng trưởng nhanh trong năm 2024 nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng chỉ rõ những thách thức, khó khăn mà Việt Nam phải giải quyết. Đó là hoạt động XK thiếu bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Tỉ trọng trong tổng kim ngạch XK của doanh nghiệp (DN) nội chỉ chiếm 28,9%. Phần lớn kim ngạch XK của Việt Nam vẫn do khối DN FDI mang lại (khoảng trên 70%) nhưng XK của các DN này chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, giá trị gia tăng trong XK chưa được như kỳ vọng; phần lớn hàng XK thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm DN FDI (như dệt may, da giày, điện tử); tỉ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu NK, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, các mặt hàng nông nghiệp chủ lực chủ yếu XK dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế.
Trong hoạt động XK vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Mỹ, ASEAN, EU (kim ngạch XK của Việt Nam tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch XK cả nước).
Cùng với đó, các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Đa dạng hóa thị trường
Với những khó khăn, thách thức đang đối mặt, để duy trì đà tăng trưởng XK trong năm 2025 và những năm kế tiếp, đòi hỏi Việt Nam phải đề ra các biện pháp phù hợp, đặc biệt các DN phải có sự chủ động cao hơn nữa trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Bùi Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Vietnox Agri (chuyên XK sầu riêng), cho biết Trung Quốc gia tăng nhập sầu riêng của Việt Nam. Vietnox Agri đã có đơn hàng với hàng trăm container sầu riêng tươi XK sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Toàn lưu ý muốn XK bền vững mặt hàng này ở thị trường Trung Quốc thì yêu cầu tiên quyết phải bảo đảm chất lượng, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu mà thị trường đưa ra.
Còn theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), mặc dù XK sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử tăng nhưng các DN điện tử Việt Nam vẫn đang ở thế bị động, thiệt thòi đàm phán đơn hàng với đối tác lớn do không tương thích về quy mô công nghệ, năng lực sản xuất, cũng như quy mô vốn, đầu tư. Do vậy, ngành điện tử cần nỗ lực để bứt phá, tăng tốc. Các DN buộc phải chuyển mình bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới để nâng cao năng lực quản trị và quy mô sản xuất, từ đó cạnh tranh giành đơn hàng.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng bước vào năm tới 2025, dự báo tình hình có thể còn khó khăn hơn với những rủi ro về xung đột địa chính trị, thương mại và khó khăn hơn nữa đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Xu hướng hội nhập trong thời gian tới sẽ liên quan đến những vấn đề, như lao động, môi trường cũng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Vì thế, cần có sự vào cuộc rất nhiều bộ, ngành và đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay sẽ tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2025 phấn đấu tăng khoảng 9%-10% so với năm 2024. Xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024. Để duy trì đà tăng trưởng XK, Bộ Công Thương sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất – nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Đồng thời tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy XK bền vững.
Xuất khẩu thủy sản tiến tới mốc 11 tỉ USD
Với ngành thủy sản, dù được đánh giá là một năm khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng XK về đích 10 tỉ USD, vượt năm 2023 khoảng 12%.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN XK và hệ sinh thái xung quanh. Ông Phùng Đức Tiến nhìn nhận dư địa của ngành thủy sản vẫn còn rất lớn, khả năng đạt mốc 11 tỉ USD vào năm 2025. Cơ sở để tiến tới mốc này là nhờ nguồn cung nguyên liệu cải thiện và đầu ra mở rộng.
N.Ánh
. Ông TRẦN NHƯ TÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Phải “xanh hóa” ngành dệt may
Tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu đến từ thị trường Mỹ, do Mỹ NK may mặc từ Việt Nam tăng 12,5%. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đi ngang, thị trường châu Âu còn khó khăn nên chưa tăng nhiều.
Những gì thấy được trong năm 2024 và nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump tới đây là cơ sở để kỳ vọng XK dệt may Việt Nam năm 2025 sẽ tăng so với năm 2024, phất đấu đạt 47 – 48 tỉ USD, dù yếu tố quan trọng còn phụ thuộc vào chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc như thế nào. Việt Nam và Trung Quốc cùng XK hàng dệt may vào Mỹ, nếu chính phủ Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa NK từ Trung Quốc thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn khi vào thị trường Mỹ.
Bên cạnh thuận lợi chung thì có rất nhiều khó khăn, trong đó chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là áp lực kép. Xu hướng hiện nay là các nhà mua hàng quốc tế đòi hỏi phải “xanh hóa” ngành dệt may nhưng giá bán không tăng, thậm chí đi xuống. DN buộc phải chuyển đổi xanh nếu không muốn mất đơn hàng, mất khách hàng.
. Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
Điểm sáng xuất khẩu rau quả chế biến
Năm 2024 là năm thành công của ngành hàng rau quả khi XK được khoảng 7,1 tỉ USD, tăng 27% so với năm ngoái. Một điểm sáng của ngành là rau quả chế biến cũng tăng trưởng đều đặn, 11 tháng của năm 2024 XK đạt 1,24 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2025, nếu Việt Nam XK thêm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sang Trung Quốc; chanh leo qua Mỹ… thì kỳ vọng XK toàn ngành có thể vượt mốc 8 tỉ USD.
Ngành rau quả hiện tại thuận lợi về đầu ra nhưng còn lo ngại về sản xuất do ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như việc cấp mã số vùng trồng, đóng gói vẫn còn chậm so với nhu cầu về nguyên liệu XK của DN.
T.Nhân – N.Ánh ghi
Nguồn: https://nld.com.vn/vung-tin-tu-ky-tich-xuat-khau-196241224214830606.htm