Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024, tổ chức vào trung tuần tháng 11/2024, với chủ đề “Con người. Doanh nghiệp. Thịnh vượng”, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, với tâm thế mới, với khát vọng mãnh liệt phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và với niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng.
Khẳng định Việt Nam kiên trì các nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, Chủ tịch nước Lương Cường thông tin tới cộng đồng Doanh nghiệp APEC rằng hành trang của Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới sẽ là một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với quy mô thứ 35 thế giới; có hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, lấy nhân dân làm trung tâm; một dân tộc yêu nước, tự tin, tự lực, tự cường, với dân số hơn 100 triệu người; và nhiều bạn bè, đối tác quốc tế rộng khắp năm châu.
Cùng thời gian, khi tiếp ông Paulo Medas – Trưởng đoàn và các thành viên đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có chuyến công tác đánh giá định kỳ tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, kinh tế Việt Nam mặc dù chịu nhiều tác động, ảnh hưởng rất lớn từ bên ngoài, nhưng vẫn đạt được những kết quả quan trọng.
Thủ tướng thông tin Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để huy động nguồn lực phát triển, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những thập kỷ tới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Trước đó, trong bài phát biểu quan trọng khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 10, nhiệm kỳ 2024-2029, khai mạc tại Hà Nội ngày 17/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Với thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Những thông điệp này đã tạo được một niềm hứng khởi trong dư luận trong nước và quốc tế.
Với nhân dân thì đấy là những tín hiệu cho thấy các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục nỗ lực với khát vọng mãnh liệt phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong hành trình lịch sử của dân tộc ta, việc đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do là mục tiêu, lẽ sống, khát vọng. Tuy nhiên, mục tiêu và khát vọng đó chỉ thật sự có được khi nó mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phồn vinh thật sự cho nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Người cho rằng chúng ta hy sinh làm cách mạng là để giành lại quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì vậy sau khi đất nước giành lại được quyền độc lập, tự do thì cần phải quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Và, điều đó đã được Đảng, Nhà nước ta trong mọi thời kỳ luôn kiên định nỗ lực thực hiện.
Với cộng đồng quốc tế, những thông điệp từ các nhà lãnh đạo Việt Nam cho họ một niềm tin về một điểm đến an toàn, thân thiện và nhiều tiềm năng để cùng hợp tác, đầu tư, tìm kiếm lợi ích lành mạnh. Đó cũng là cơ sở để ông Paulo Medas khẳng định với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng IMF luôn sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam; đồng thời đánh giá Việt Nam còn dư địa tài khóa lớn để IMF hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chủ động ứng phó với những rủi ro từ bên ngoài; tăng cường năng lực, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn; tiếp tục cải cách để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng lâu dài, bền vững và kiểm soát tốt các rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư…
Khi tham dự và phát biểu tại sự kiện Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với các khách mời, tổ chức sáng 15/11/2024 (giờ địa phương) tại Trung tâm Hội nghị Lima (Peru) trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2024, Chủ tịch nước Lương Cường cũng đã khẳng định với vị trí địa lý thuận lợi ở khu vực Đông Nam Á và mạng lưới logistics hiện đại, Việt Nam có đủ khả năng đóng vai trò cầu nối trong mở rộng giao thương và kết nối liên khu vực.
Cùng đó, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Vì thế, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế trong và ngoài APEC để thúc đẩy các kết nối liên khu vực hiệu quả, có lợi cho tất cả người dân và doanh nghiệp; sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và khu vực Mỹ Latinh năng động, sáng tạo.
Trước hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới tại sự kiện Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với các khách mời, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định Việt Nam kiên trì các nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới; tin tưởng vào giá trị của tự do thương mại, kết nối và hội nhập quốc tế; và sẽ tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Nhìn vào thực tiễn, ngoài tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tổ chức hồi đầu tháng 11), về tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, cho thấy mặc dù phải đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp khó lường, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về tình hình kinh tế – xã hội tháng sau đều tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực.
Hiệu quả của sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được chứng minh bằng những con số cụ thể, sinh động, với việc ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Cùng với đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao…
Những thực tiễn sinh động của đất nước không chỉ mang lại cho nhân dân niềm tin mãnh liệt hơn vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước mà còn là cơ sở quan trọng, vững chắc để quân dân cả nước đoàn kết, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế mới.
Những thành tựu mang tầm vóc thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của kỷ nguyên đổi mới và phát triển đã tạo ra tiền đề vững chắc cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) Đảng ta đã vạch ra mục tiêu vươn mình đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Có nhiều tiêu chí để xác một quốc gia phát triển, những căn bản trước hết phải là một nước công nghiệp hóa, có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, xã hội hiện đại, văn minh và thu nhập bình quân tính theo đầu người ở mức cao, trên 12.050 USD/năm.
Thực tế Việt Nam có đầy đủ căn cứ khi vạch ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao từ sức mạnh tổng hợp quốc gia được tạo ra từ các thời kỳ trước, nhất là trong quá trình đổi mới, đặc biệt là động lực tinh thần to lớn của hơn 100 triệu người Việt Nam quyết tâm thực hiện khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”… Cùng với đó là những kinh nghiệm của các nước đi trước.
Năm 2024 đang bước vào những ngày cuối cùng với những tín hiệu tốt lành.
“Thực tiễn lịch sử cho thấy khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên sức mạnh to lớn và là cội nguồn mọi thành công của cách mạng Việt Nam. Càng trong khó khăn, thách thức, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng càng lớn lao, càng cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi, vững chắc; chỉ có đoàn kết mới có thắng lợi”.
(Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 10, nhiệm kỳ 2024-2029)
3 lợi thế quan trọng của kinh tế Việt Nam
Thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp của APEC, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết 3 lợi thế quan trọng của kinh tế Việt Nam có được hiện nay, cụ thể gồm:
– Vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, với một nền kinh tế năng động, có độ mở cao và mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do.
– Thị trường lớn, đầy tiềm năng; điểm đến thuận lợi cho tiến trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ở khu vực; quy mô dân số đứng thứ 15 trên thế giới, hạ tầng đồng bộ, môi trường kinh doanh thuộc nhóm thuận lợi nhất ở châu Á.
– Việt Nam đang khởi tạo một nền kinh tế mới, chuyển đổi từ nâu sang xanh, từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; và, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số.