- Nỗ lực vươn lên để thoát nghèo bằng cả ý chí và nghị lực
- Thừa Thiên Huế tập trung nguồn lực, phấn đấu cuối năm 2023 đưa A Lưới thoát huyện nghèo quốc gia
- Trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tại Thừa Thiên Huế
Chị Ka Piu Thị Vui (26 tuổi, trú thôn A Min, xã A Roàng, huyện A Lưới) là một trong 21 học viên đang theo học khóa đào tạo sơ cấp kỹ thuật cắt may trang phục truyền thống dân tộc thiểu số (may các sản phẩm từ dệt zèng) tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện A Lưới. Chị Vui là lao động tự do (ở nhà làm nông, dệt zèng) thuộc diện hộ nghèo tại xã vùng sâu vùng xa A Roàng. Như rất nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở A Lưới, ngay từ nhỏ, chị Vui đã được mẹ truyền dạy nghề dệt zèng truyền thống. Hiện nay, nghề dệt zèng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên các sản phẩm từ nghề cũng trở nên nổi tiếng và có nhiều người tìm mua. Từ tấm vải thổ cẩm zèng, chị Vui có thể làm ra các sản phẩm độc đáo, như: áo, quần truyền thống, khăn, cà vạt,… Tháng 6/2023, khi lớp đào tạo sơ cấp nghề kỹ thuật cắt may trang phục truyền thống mở, chị Vui được lựa chọn tham gia. Mục tiêu của khóa đào tạo là giúp các học viên có kỹ năng thiết kế và phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ dệt zèng, qua đó có công ăn việc làm cũng như thu nhập ổn định, hướng tới thoát nghèo bền vững.
Cũng là đối tượng lao động tự do, người dân tộc thiểu số, chị Hồ Thị Tường (33 tuổi, trú xã A Ngo) đang theo học lớp đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện A Lưới. Chị Tường cho biết, hiện nay, ngoài công việc làm ruộng, trồng rừng, chị còn thường xuyên nhận chạy phuc vụ bàn cho các tiệc cưới hỏi trên địa bàn. Để nâng cao kỹ năng tay nghề, tìm việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, chị đã đăng ký tham gia lớp học sơ cấp kỹ thuật chế biến món ăn và được xét duyệt. Được biết, lớp này có 35 học viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số. “Tôi tham gia học nghề chế biến món ăn với mong muốn có một nghề thật sự để có thể có việc làm và thu nhập tốt. Bên cạnh đó, là để phục vụ gia đình, bản làng mỗi khi có các dịp lễ, tết”, chị Tường chia sẻ.
Theo UBND huyện A Lưới, xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một nhiệm vụ quan trọng trogn thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã tổ chức 7 lớp dạy nghề cho hơn 210 học viên; phối hợp với doanh nghiệp mở lớp nghề thương mại điện tử cho 29 học viên. Các khóa đào tạo đều gắn với khả năng thực tế của người lao động, nhu cầu tuyển dụng ở địa phương cũng như thị trường lao động hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2023, A Lưới đã giải quyết việc làm mới cho 778 lao động; tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, với trên 1.000 lao động tham gia; tư vấn hướng nghiệp và đăng ký học nghề sau khi tốt nghiệp THPT cho học sinh các trường THPT trên địa bàn. Đến nay, đã csos 33 người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài; 20 chờ xuất cảnh và 50 người đang học các kỹ năng liên quan.
Giai đoạn 2022 – 2025, A Lưới đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin và thích ứng biến đổi khí hậu. A Lưới phấn đấu đến cuối năm 2023 thoát khỏi 74 huyện nghèo Quốc gia, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 12,01%; 100% người đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề đều được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.