LÀO CAI Với lợi thế đất đai màu mỡ, xã Thái Niên đang hình thành vùng rau chuyên canh, hướng đến sản xuất rau hữu cơ. Vùng rau này chỉ cách TP Lào Cai một khúc sông.
Rau an toàn thu nhập gấp nhiều lần lúa
Từ TP Lào Cai qua cây cầu Làng Giàng là đến vùng rau chuyên canh rau của xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Huyện này đang xây dựng vùng sản xuất rau an toàn với quy mô lên tới 150ha. Đây là vùng sản xuất nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai.
“Nhà tôi trồng mấy sào bí, bầu và gấc leo dàn. Hàng năm, thu nhập từ trồng rau an toàn của gia đình tôi khoảng 20 – 30 triệu đồng. Là vùng rau an toàn nên tôi không sử dụng hóa chất để phun tưới. Đối với sâu, ruồi vàng, tôi sử dụng bẫy bả để bắt chứ không phun thuốc bảo vệ thực vật”, ông Nguyễn Văn Đoài ở thôn Báu, xã Thái Niên cho hay.
Gia đình ông Đoài cũng như nhiều hộ dân tại đây thấy được hiệu quả từ trồng rau an toàn nên thời gian qua đã mạnh dạn chuyển đất canh tác kém hiệu quả sang trồng màu.
Ông Vũ Văn Nam ở thôn Báu cho biết, gia đình đã làm giàn trên diện tích khoảng 7 sào để trồng rau củ quả, nhất là các loại cây dây leo. “Công mình bỏ ra làm cột, còn giàn được chính quyền địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi sào. Vụ trước tôi trồng dưa, vụ này trồng dưa chuột rồi chuyển sang những loại cây dây leo khác như đỗ, mướp… tùy mùa vụ. So với trồng lúa, trồng màu thu nhập cao hơn nhiều, song cũng tùy thuộc thời tiết, năng suất”, ông Nam cho biết.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền xã và các thôn, đến nay xã Thái Niên đã có hơn 200 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất ruộng cấy lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả…
Liên kết để giải quyết đầu ra
Để chủ động tiêu thụ sản phẩm cho bà con, hiện trên địa bàn xã Thái Niên đã hình hành các tổ hợp tác liên kết sản xuất, tạo ra chuỗi cung ứng rau an toàn, hiệu quả, đảm bảo rau an toàn đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, chất lượng và giá cả hợp lý.
Bà Lỳ Thị Hiền ở thôn Báu, Tổ phó Tổ liên kết cho biết, hiện bà con trong Tổ trồng nhiều loại rau, củ quả như dưa lê, bí, bầu… Từ khi chuyển đổi sang trồng rau màu, thu nhập của bà con đã được nâng lên đáng kể. Nhiều thương lái đã tìm tới vùng rau xã Thái Niên để thu mua ổn định khi vùng rau ở đây được hình thành và dần có thương hiệu. Ngoài ra, Tổ liên kết còn chủ động tìm kiếm các thương lái, các đầu mối đến thu mua nông sản cho bà con, cũng như bán qua kênh mạng xã hội…
Tuy vậy, khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng có những khó khăn nhất định, một số bà con chưa hiểu rõ lợi ích của việc liên kết, một số hướng tới lợi ích trước mắt nên chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất cũng như liên kết tiêu thụ. Tổ liên kết đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV sinh học và phải cách ly đúng, đủ ngày để đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ…
Hiện nay, bà con nông dân xã Thái Niên đang tập trung sản xuất dưa hấu, dưa lê, dưa chuột, mướp, bầu bí…, đến cuối năm sẽ trồng đậu cô ve, hoa, dưa chuột vụ đông…
Ông Trần Văn Duy, khuyến nông viên xã Thái Niên cho biết, xã thường xuyên tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình canh tác mới theo hướng hữu cơ, ví dụ trồng cây mướp phải làm tơi xốp đất, bổ sung phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục… Khâu chăm sóc, lá già mang bệnh thì ngắt bỏ để tiêu hủy cách xa khu vườn. Cây mướp tạo mùi thơm nên dẫn dụ ruồi vàng đến phá hại, song không sử dụng thuốc hóa học mà chỉ dùng bẫy bả xung quanh vườn để thu hút ruồi vàng bám vào chế phẩm sinh học và tự bị tiêu diệt.
“Sản xuất rau an toàn chúng tôi quán triệt bà con phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, nhà ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học diễn ra những vụ ngộ độc thực phẩm, qua đó chúng tôi dẫn chứng cho bà con nắm bắt, biết để tránh. Sản phẩm an toàn còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Trần Văn Duy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Duy, hiện xã đã tìm một số hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con. 4 tổ liên kết ở 4 thôn trong xã cũng hoạt động hiệu quả. Căn cứ nhu cầu của bên hợp tác đặt hàng, xã sẽ có kế hoạch cho bà con canh tác, đảm đầu vào, đầu ra, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất…
Hướng tới sản xuất hữu cơ, nâng cao giá trị
Ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết, thực hiện Nghị quyết 26 và 33 của HĐND tỉnh và Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất nông nghiệp của xã, trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, nhất là ưu tiên ở các vùng ven sông có ưu thế về thổ nhưỡng, điều kiện canh tác. Mặt khác, khu vực này gần các đường giao thông, thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện Thái Niên đã hình thành vùng rau chuyên canh rau 35ha được chuyển đổi từ trồng lúa không hiệu quả. Trong đó, vùng rau chuyên canh rau an toàn khoảng 22ha.
Đến năm 2024, nhà nước đã hỗ trợ cho người dân của xã xây dựng 4,5ha khung thép phục vụ sản xuất rau an toàn. Sau khi chuyển đổi sản xuất, các hộ thấy hiệu quả hơn so với trồng lúa truyền thống. 1ha rau màu bình quân thu từ 130 – 180 triệu đồng, gấp nhiều lần trồng lúa. Thị trường tiêu thụ tập trung ở TP Lào Cai, các huyện và một số tỉnh, khu công nghiệp lân cận…
Trong thời gian tới, xã Thái Niên sẽ tiếp tục vận động nhân dân vùng lân cận đã được quy hoạch để nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn; phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện và các cơ quan xây dựng thương hiệu rau an toàn, đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước giúp đỡ, hướng tới sản xuất rau đạt tiêu chuẩn rau hữu cơ.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết, phát triển vùng rau chuyên canh an toàn theo hướng theo hữu cơ là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Để làm được việc này, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất tại các xã Thái Niên, Gia Phú và một phần của xã Sơn Hải. Với lợi thế giao thông thuận lợi, diện tích đất bãi ven sông Hồng lớn, màu mỡ, huyện định hướng cho người dân canh tác cây rau màu, cây ăn quả… theo hướng hàng hóa, giá trị cao.
“Việc hỗ trợ người dân sản xuất giá trị tuy không nhiều nhưng đã kịp thời động viên để người dân chuyển đổi đất kém hiệu quả, xây dựng giàn, lưới, hệ thống tưới tiêu, tưới tiết kiệm… để phát triển vùng rau chuyên canh hướng hàng hóa”, ông Vũ Kiều Hưng nhấn mạnh.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Lào Cai duy trì và phát triển vùng rau chuyên canh tập trung đạt trên 2.400ha. Trong đó diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt trên 30% tổng diện tích gieo trồng. Tỉnh Lào Cai đã đề ra 6 giải pháp chính, đó là tập trung tuyên truyền; quy hoạch đất đai; tổ chức sản xuất; khoa học công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư tăng cường năng lực và quản lý nhà nước…
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/vung-rau-an-toan-tu-vuon-len-pho-chi-cach-con-song-d386863.html