Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, vùng phát thải thấp không phải “cây đũa thần”, mà chỉ là một trong những biện pháp cải thiện ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội đã trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài. Thống kê trong quý 4 năm 2024 tại các trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn cho thấy, chỉ số chất lượng không khí ở mức “kém” chiếm 48,91% và ở mức “xấu” chiếm 44,37%.
Bà Lưu Thị Thanh Chi, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn TP.HCM vào những ngày cuối năm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí ô nhiễm đặc quánh, ứ đọng.
Ngoài ra, cuối năm cũng là dịp lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn, khiến chất lượng không khí bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo dõi chất lượng không khí trên website của Tổng cục Môi trường cho thấy mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, đang gia tăng qua các năm.
“Đây là vấn đề thực sự lo ngại. Không khí “có chân”, không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác”, bà Ánh cảnh báo.
Theo bà Ánh, có những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí bao gồm: Xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, khí hậu thời tiết… Trong đó, tại miền Bắc và khu vực Hà Nội, ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế – xã hội đạt mức cao nhất. Các công trình được tiến hành xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy, xí nghiệp tăng công suất tối đa, cộng thêm “chăn ấm” của khí hậu thời tiết ủ vào khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.
Bài toán nào giải quyết ô nhiễm?
Để cải thiện chất lượng môi trường sống, mới đây Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Đây là bước đột phá của Hà Nội, cũng như cả nước, nhằm phát triển giao thông xanh – sạch – thuận tiện – chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Vùng phát thải thấp bước đầu sẽ được thí điểm tại 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Đây là 2 quận có mật độ dân cư đông và đang có những nền móng để phát triển vùng phát thải thấp.
Đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang trong quá trình khảo sát các giải pháp và hy vọng sớm nhận được sự hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vùng phát thải thấp, quận này cũng gặp một số khó khăn, phần lớn liên quan đến ý thức của người dân.
“Bởi lẽ, trong khi nhiều người thực hiện đi xe điện để góp phần cải thiện chất lượng không khí, thì vẫn có nhiều trường hợp có các hành động gây ô nhiễm. Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa được kết nối đồng nhất nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện vùng phát thải thấp. Điển hình như việc xe điện có giá cả hợp lý, nhưng sạc điện rất mất thời gian và hệ thống trạm sạc chưa nhiều”, đại diện quận Hoàn Kiếm thông tin.
TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh, chúng ta không thể điều khiển được khí hậu, thời tiết, do đó phải tìm nguyên nhân gây ô nhiễm để đưa ra giải pháp xử lý. Đặc biệt, vùng phát thải thấp không phải “cây đũa thần”, mà chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí.
Hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước, ví dụ tại châu Âu đã có hơn 300 vùng phát thải thấp. Ông cho biết, qua nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm tại các thành phố trên thế giới, kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai.
“Nhưng phải nhấn mạnh rằng việc thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, thiết kế đúng và hành động đúng. Không có mô hình nào chung cho việc thực hiện các vùng phát thải thấp, mặc dù đều có mục đích chung là giảm thiểu ô nhiễm”, TS Hoàng Dương Tùng nói.
Để triển khai vùng phát thải thấp hiệu quả, TS Hoàng Dương Tùng khuyến nghị chính quyền Hà Nội trước mắt cần xây dựng hệ thống tài liệu chi tiết để quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có định hướng lập đề án mà không phải loay hoay đi tìm.
“Đặc biệt, thành phố cần có các giải pháp đi trước, hành động theo cơ chế win-win. Ví dụ, như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, xây dựng các trụ sạc điện trong hai quận như thế nào, giảm giá giao thông công cộng, phát triển các hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện ra sao? Ngoài ra, cần phải chú ý đến các vấn đề liên quận để tăng cường năng lực thực hiện”, ông Tùng nhấn mạnh.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vung-phat-thai-thap-o-ha-noi-khong-phai-cay-dua-than-gam-o-nhiem-khong-khi-2365267.html