Giai đoạn 2022 – 2025, công tác giảm nghèo được nâng lên tầm cao mới, với việc áp dụng chuẩn nghèo cao hơn giai đoạn trước theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Chuẩn nghèo giai đoạn này được nhận diện ở tiêu chí thu nhập và 6 chỉ tiêu (12 chỉ số) dịch vụ xã hội cơ bản.
Tiên phong giảm nghèo đa chiều
Hiện nay, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Trong “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tháng 7/2022, có nêu: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2021 giảm còn 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo.
Điều đáng lưu ý là, con số 58,1% hộ nghèo của cả nước năm 1993 được xác lập từ tiêu chí duy nhất là thu nhập. Còn 2,23% hộ nghèo của năm 2021 là kết quả rà soát theo bộ tiêu chí tiếp cận đa chiều, bao gồm thu nhập và các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản bản (việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; tiếp cận thông tin).
Chưa dừng lại ở đó, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, khoa học, cân đối giữa mục tiêu và khả năng, Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, với những chỉ tiêu cao hơn bộ tiêu chí tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Không chỉ tiêu chí thu nhập được nâng lên mà chỉ số về các dịch vụ xã hội cơ cũng chặt chẽ hơn trước.
Và, mặc dù trải qua thời gian dài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid – 19 cùng với khủng hoảng kinh tế thế giới, công tác giảm nghèo của nước ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn. Theo Báo cáo số 1611/BC-BKHĐT ngày 6/3/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 của cả nước là 2,93%, giảm 1,1% so với năm 2022.
Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo đặc biệt ấn tượng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn khoảng 33%, tương ứng giảm 5,62% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm còn 17,82%, tức giảm 3,2% so với năm trước.
Theo TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc miền núi – nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các bạn bè quốc tế đến Việt Nam đều thừa nhận, những năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam rất tốt, đặc biệt là vùng DTTS. Tỷ lệ giảm nghèo năm nào ít nhất cũng giảm 1,5% và trung bình 2%. Tuy nhiên, riêng vùng đồng bào DTTS giảm nghèo từ 3 đến 4%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Chính sách toàn diện
Kết quả giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Công tác giảm nghèo nói chung, đặc biệt vùng đồng bào DTTS được triển khai bởi một hệ thống chính sách toàn diện; đầu tư, hỗ trợ bao trùm trên tất cả các lĩnh vực.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện có 188 chính sách thực hiện tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó có 136 chính sách dân tộc, là các chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi hoặc các chương trình, chính sách áp dụng chung cho cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để giảm nghèo đa chiều, bao trùm, toàn diện, hệ thống chính sách dân tộc không chỉ liên tục được bổ sung mà các giải pháp thực hiện cũng được đổi mới. Công tác giảm nghèo ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Giai đoạn 2021 – 2025, để giảm nghèo thực sự bền vững, bên cạnh 02 Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững thì người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi còn được thụ hưởng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Nguồn lực từ Chương trình này là động lực rất lớn hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống theo chuẩn nghèo đa chiều mới.