Vợ chồng anh chị K’Thiện – Ka Mai, thôn Hang Ka đang canh tác trong mùa sầu riêng nở hoa. Trời xẩm tối, khi sầu riêng bắt đầu xổ nhuỵ bung cánh, anh chị cầm những cây cọ nhỏ, thụ phấn cho từng cụm hoa trắng ngà.
Niên vụ sầu riêng 2023, gia đình anh K’ Thiện đã nhận được quả ngọt. Và đặc biệt, giữa vùng sâu Hang Ka, trái sầu riêng của gia đình đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, một bước tiến lớn của gia đình người nông dân trẻ.
Trong cuộc trò chuyện, anh K’Thiện cho biết, trước đây, vườn sầu riêng của anh vốn là vườn cà phê. Công lao động nhiều, phân thuốc cao, giá cà phê bấp bênh, anh chị rất vất vả để nuôi các con.
Năm 2018, được sự động viên của cán bộ nông nghiệp, nhìn thấy bà con xung quanh thắng từ cây sầu riêng, anh chị quyết tâm xuống giống 200 cây sầu riêng Dona.
Chị Ka Mai bảo, đất đồi nên rất vất vả, anh chị phải đào từng gốc cà phê, làm lại bề mặt vườn để quy hoạch trồng sầu riêng theo đúng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Sau bốn năm chăm sóc, năm 2022, anh chị thu được lứa quả bói đầu tiên.
Số lượng không nhiều nên chỉ đủ tiền phân, tiền thuốc chăm sóc vườn. Tới niên vụ 2023, anh chị thu được 6 tấn trái. Và, niềm vui với gia đình vì sầu riêng đạt giá cao.
Anh K’Thiện cho biết, trung bình vườn sầu riêng của anh được doanh nghiệp thu với giá 55.000 đồng/kg. Khoản tiền đầu tiên gia đình thu được từ cây sầu riêng đã mang lại hy vọng về tương lai tốt đẹp cho hướng sản xuất của đôi vợ chồng người Mạ trẻ.
Không chỉ bán trái lấy tiền, anh K’Thiện còn là nông dân trẻ tiến bộ, nhanh chóng tiếp cận với xu hướng tiêu dùng của thị trường. Được sự động viên của xã, của huyện, anh tích cực thực hiện các thủ tục để trái sầu riêng tươi của gia đình được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh bảo, thủ tục công nhận sản phẩm OCOP khá nhiều, trong đó quan trọng nhất là canh tác an toàn. Nhưng, dưới sự hỗ trợ của cán bộ xã, cán bộ huyện, anh chị đã đạt được kết quả tốt. Trái sầu riêng K’Thiện được đưa ra thị trường với thương hiệu OCOP, bởi vậy tiêu thụ rất tốt.
Không chỉ xây dựng thương hiệu sầu riêng OCOP, anh K’Thiện còn là một trong những nông hộ tham gia liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng thôn Hang Ka. Anh chia sẻ, bà con thôn Hang Ka cũng nhiều nhà giống gia đình anh, trồng sầu riêng theo hướng trồng thuần để nâng cao thu nhập gia đình.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Việt Nông, chính quyền địa phương cũng đang tiến hành các thủ tục đề xuất cấp mã số vùng trồng cho vùng sầu riêng Hang Ka. Anh nhận được tin, thủ tục đã sắp sửa hoàn thành, trái sầu riêng Hang Ka niên vụ 2024 sẽ có cơ hội đến những vùng đất xa, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.
Anh K’Thiện cho biết, muốn trái sầu riêng đạt chuẩn, được thị trường chấp nhận, người nông dân cần chú ý ngay từ khâu chọn giống. Khi chọn giống, phải chọn giống từ những đơn vị cung cấp uy tín, đảm bảo giống xù thuần nhất.
Vùng Hang Ka thường khá khô hạn, các vườn sầu riêng phải được đảm bảo tưới đầy đủ nước để cây phát triển tốt. Như khu thác Bảy Tầng, nơi anh đang trồng sầu riêng, nước được kéo từ trên nguồn trên núi.
Anh chị đã hứng nước vào bể, đào ao trên đỉnh đồi, bơm lên cao và dòng nước tưới tự động chảy xuống.
Anh cho biết: “Trồng sầu riêng, khi bỏ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phải đảm bảo sử dụng đúng loại thuốc trong danh mục cho phép của ngành Nông nghiệp, cách ly đúng quy định. Cán bộ nông nghiệp cũng hướng dẫn kỹ, trồng sầu riêng xuất khẩu phải tuân thủ đúng kỹ thuật mới lâu bền cho nông dân chúng tôi”.
Theo anh dự đoán, niên vụ sầu riêng 2024, vườn của gia đình anh sẽ cho sản lượng 20 tấn. Với giá thu mua xuất khẩu từ liên kết với doanh nghiệp, thu nhập của anh chị sẽ tăng gấp hai, ba lần so với năm 2023.
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm đánh giá, sản phẩm OCOP trái sầu riêng tươi của gia đình anh K’Thiện là một điển hình rất hiệu quả.
Năm 2023, Bảo Lâm có 19 sản phẩm được công nhận OCOP ba sao và trái sầu riêng tươi mang thương hiệu K’Thiện được đánh giá là một sản phẩm OCOP có triển vọng.
Việc xây dựng sản phẩm OCOP thành công của gia đình anh K’Thiện sẽ là động lực để các hộ nông dân khác tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương. Đây là hướng mở hiệu quả, thúc đẩy các nông hộ vùng sâu, vùng xa vươn lên, mang sản phẩm chất lượng đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.