Nhận định đầu tư
Chứng khoán Asean (Aseansc): Trải qua phiên 1/8, thị trường đã phủ định đà hồi phục của cả tuần này và chính thức trở lại nhịp điều chỉnh số 3.
Tín hiệu rung lắc đã được dự báo bởi trạng thái phân hóa sức mạnh ở độ rộng các nhóm ngành trong những phiên gần đây. Điểm tích cực là thanh khoản gia tăng, tuy nhiên liệu đây chỉ là lực cầu mua hoảng loạn hay là vùng mua bền vững thì sẽ cần thêm dữ liệu để đánh giá.
Chứng khoán Tiên phong (TPS): Sự cố gắng của VN-Index trong 6 phiên tăng điểm đã bị 1 phiên giảm điểm xoá mất. Thanh khoản tăng cao đặc biệt trong phiên chiều – vốn là phiên giảm điểm cho thấy tâm lý bán tháo đã bị kích hoạt trong phiên hôm nay.
Đáng chú ý, đây là phiên giao dịch gần ngày cuối tuần cũng là kết thúc cây nến tuần. Xét về vị thế hiện tại, cây nến ngày 1/8 đang tạo ra một trạng thái xấu và nếu thị trường không có phiên hồi phục vào ngày 2/8 thì khả năng VN-Index sẽ phải tìm đến những vùng giá thấp hơn nữa.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sớm thử thách lại vùng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm. Đồng thời, nếu thị trường xuất hiện nhịp hồi trong 1-2 phiên giao dịch tới thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần.
Mức định giá đã giảm về gần mức thấp nhất trong tháng 4/2024 và rủi ro tỉ giá hạ nhiệt cho nên YSVN kỳ vọng vùng 1.200 điểm của chỉ số VN-Index được xem là vùng hỗ trợ mạnh và cơ hội ngắn hạn cao hơn so với rủi ro ngắn hạn tại mức 1.200 điểm.
Khuyến nghị đầu tư
– VHC (CTCP Vĩnh Hoàn): Khả quan, giá mục tiêu 88.000 đồng/cổ phiếu.
SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VHC nhờ triển vọng phục hồi lợi nhuận mạnh trong nửa cuối năm 2024 (tăng 215% so với cùng kỳ) và năm 2025 (tăng 29% so với cùng kỳ). SSI kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý III/2024 sau 7 quý liên tiếp tăng trưởng chậm.
Trong quý II/2024, VHC đã công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 3.200 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ) và 336 tỷ đồng (giảm 26,4% so với cùng kỳ). Trong khi doanh thu thuần vượt kỳ vọng của SSI nhờ sản lượng tiêu thụ phục hồi mạnh, lợi nhuận ròng phù hợp với ước tính vì quý II/2023 có mức nền lợi nhuận cao nhờ giá bán cá tra bình quân ở mức cao.
SSI lưu ý rằng VHC đạt được kết quả vượt trội so với các công ty cùng ngành, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ tăng 6% so với cùng kỳ. Ví dụ như, ANV đã công bố doanh thu thuần tăng 11% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng giảm 134% so với cùng kỳ.
– BSR (CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn): Trung lập, giá mục tiêu 23.000 đồng/cổ phiếu.
Doanh thu và lợi nhuận ròng của BSR trong quý II/2024 giảm lần lượt 27,4% và 42,8% so với cùng kỳ đạt 24.428 tỷ đồng và 768 tỷ đồng chủ yếu do do nhà máy phải tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng vào tháng 4, giá dầu giảm khiến chi phí trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng nhẹ 65 tỷ đồng trong quý.
SSI có khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 1 năm là 23.000 đồng/cổ phiếu. Trong ngắn hạn, quá trình chuyển niêm yết sang sàn HoSE có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu BSR.
– MWG (CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động): chờ bán.
Doanh thu quý II/2024 đạt mức 34.100 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ vào việc chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh phục hồi ấn tượng với các ngành hàng điện thoại; ti vi và chuỗi Bách Hoá Xanh liên tục tăng trưởng doanh thu/cửa hàng, trong tháng/2024, mức doanh thu trung bình đã đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, càng củng cố niềm tin về việc Bách Hoá Xanh sẽ sớm có lãi trong 2024.
Kết quả này vô cùng tích cực trước bối cảnh MWG đã quyết liệt tái cấu trúc và giảm thiểu số lượng cửa hàng trong thời gian qua. Với triển vọng kinh doanh tích cực, TCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-2-8-vung-1200-diem-se-dong-vai-tro-ho-tro-204240726153241476.htm