Đang xuất hiện những ý kiến quan ngại khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm nhanh, bị co hẹp tới 1/3 trong vài năm qua, đặc biệt là ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp, do khó phát hành trái phiếu, nên đã quay về vay vốn ngân hàng. Thực trạng trên có thể dẫn đến rủi ro lớn về kỳ hạn và thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Đang xuất hiện những ý kiến quan ngại khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm nhanh, bị co hẹp tới 1/3 trong vài năm qua, đặc biệt là ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp, do khó phát hành trái phiếu, nên đã quay về vay vốn ngân hàng. Thực trạng trên có thể dẫn đến rủi ro lớn về kỳ hạn và thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, với tốc độ tăng bình quân 45%/năm giai đoạn 2018-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đột ngột lao dốc từ năm 2022 do những thay đổi về môi trường kinh doanh, khung khổ pháp lý và một số sự cố liên quan đến vi phạm quy định phát hành. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện còn khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP, giảm mạnh so với mức 15% GDP năm 2022. Con số này rất thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (54% GDP), Singapore (25%), Thái Lan (27%)…
Thị trường trái phiếu suy giảm nhanh khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra về kinh tế – xã hội mới đây, đã phải bày tỏ loạt quan ngại. Thực tế, thị trường đáng quan ngại không chỉ do quy mô phát hành giảm, mà ở một loạt yếu tố khác.
Thứ nhất, cơ cấu phát hành chưa hợp lý, khi phát hành riêng lẻ chiếm gần 90%, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm hơn 10%. Con số này cho thấy, yếu tố minh bạch thị trường đang có vấn đề. Bên cạnh đó, lượng trái phiếu phát hành ra công chúng ít cũng hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp từ nhà đầu tư đại chúng.
Thứ hai, thị trường trái phiếu đang dần biến thành “sân chơi” của các định chế tài chính, thay vì trở thành kênh huy động vốn chính thức của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong tháng 9/2024 vừa qua, hơn 80% trái phiếu phát hành là của các ngân hàng, số ít còn lại là của doanh nghiệp bất động sản và dịch vụ và hầu như không có doanh nghiệp sản xuất nào tham gia huy động vốn trái phiếu.
Thứ ba, kỳ hạn trái phiếu quá ngắn (hầu hết dưới 5 năm) tạo áp lực đáo hạn lớn lên doanh nghiệp và chưa phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.
Thứ tư, thị trường trái phiếu vẫn thiếu minh bạch khi nhà đầu tư như “người mù qua đường”. Hầu hết trái phiếu riêng lẻ trên thị trường không được xếp hạng tín nhiệm, dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin, song mức độ và chất lượng thông tin cung cấp còn sơ sài.
Thứ năm, thị trường trái phiếu thiếu các công cụ đo lường rủi ro, đánh giá khả năng vỡ nợ của trái phiếu, khiến nhà đầu tư – đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài chưa thể mặn mà.
Đáng lo nhất là, lượng trái phiếu phát hành mới hiện giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh cao và nhỏ hơn nhiều so với cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp. Thực trạng trên đang gây sức ép trở lại với hệ thống ngân hàng. Hiện ngân hàng huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, song phải phục vụ nhu cầu vốn trung, dài hạn cao, dẫn đến rủi ro kỳ hạn và rủi ro thanh khoản luôn thường trực.
Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, nhiều lần bị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo. Thế nhưng, sự suy giảm của thị trường trái phiếu khiến doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào tín dụng. Cũng bởi vậy, tỷ lệ này không những giảm, mà có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Nếu như năm 2021, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là 123%, đến cuối năm 2022 là gần 125%, thì đến cuối năm 2023 đã lên tới 132,7%. Moody’s – tổ chức hàng đầu thế giới chuyên đánh giá rủi ro tín dụng cho rằng, tỷ lệ này tiềm ẩn nguy cơ bất ổn với kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp siết lại thị trường trái phiếu, ban hành hàng loạt quy định chặt chẽ hơn, thế nhưng nhà điều hành vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để vực dậy thị trường trái phiếu. Trong Dự thảo một luật sửa 7 luật trình Quốc hội kỳ này, Bộ Tài chính (cơ quan xây dựng dự thảo) dự định sẽ loại bỏ nhà đầu tư cá nhân ra khỏi sân chơi trái phiếu riêng lẻ để tránh rủi ro. Đây đang là vấn đề gây tranh cãi, bởi sẽ làm thanh khoản thị trường trái phiếu thêm sa sút, nhất là khi chưa có cơ chế, chính sách thực sự hiệu quả nhằm thu hút nhà đầu tư là tổ chức.
Rõ ràng, sự suy giảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đặt ra thách thức lớn cho việc đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhu cầu vốn rất lớn về phát triển hạ tầng, bất động sản, các ngành sản xuất khác và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Trong bối cảnh đó, việc tìm ra giải pháp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp thị trường trái phiếu hồi phục và phát triển bền vững là rất cấp bách. Điều này đòi hỏi nỗ lực đồng bộ của các cơ quan quản lý, của các định chế tài chính và của chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Nguồn: https://baodautu.vn/vuc-day-thi-truong-trai-phieu-d228248.html