CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Minh Phú là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực nuôi và xuất khẩu tôm, được ví như “vua tôm”.
Với vị thế như vậy nhưng năm nay, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Minh Phú đều sụt giảm so với 2022. Sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu mục tiêu năm 2023 dự kiến lần lượt ở mức 45.000 tấn và 540,5 triệu USD, giảm 30% và 13% so với thực hiện năm 2022.
Năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu gần 12.790 tỷ đồng, giảm khoảng 22% so với thực hiện trong năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 23% xuống còn 639 tỷ đồng.
Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản kém tích cực, kết quả kinh doanh của MPC “đi lùi” trong quý 1/2023. Doanh thu chỉ bằng một nửa cùng kỳ, đạt 2.123 tỷ đồng và tương đương 17% kế hoạch năm. Minh Phú báo lỗ sau thuế 98 tỷ đồng.
MPC cho biết, ngoài ảnh hưởng từ doanh thu bán hàng giảm, kết quả kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 50%, tương đương 4.741 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) -“trùm” xuất khẩu cá tra của nữ tướng Trương Thị Lệ Khanh báo lãi quý I chưa bằng một nửa cùng kỳ. Theo Báo cáo tài chính quý I/2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.221,58 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 218,98 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,8% về còn 17,3%.
Nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu sang các thị trường chủ lực sụt giảm, đặc biệt là thị trường Mỹ. Riêng tháng 3, xuất khẩu sang thị trường Mỹ ở mức 393 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ; còn tháng 2 là 197 tỷ đồng, giảm 69%.
Trước đó, năm 2022, Vĩnh Hoàn có doanh thu đạt 13.230 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.975 tỷ đồng, vượt kế hoạch 230 tỷ đồng về doanh thu và 375 tỷ đồng về lợi nhuận. Mặc dù bị sụt giảm ở quý cuối năm, nhưng Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất của Vĩnh Hoàn, với doanh thu cá tra hơn 248 triệu USD.
Năm 2023, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 11.500 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.000 tỷ đồng, giảm 49,4% so với thực hiện trong năm 2022.
Một doanh nghiệp thuỷ sản khác là CTCP Nam Việt (ANV) có kết quả kinh doanh quý I/2023 phản ánh rõ dấu hiệu tăng trưởng sụt giảm do ảnh hưởng bởi lạm phát. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của ANV lần lượt đạt 1.155 tỷ đồng và 92 tỷ đồng giảm 56% so với cùng kỳ. Tính tới ngày 31/3, hàng tồn kho của ANV đạt 2.666 tỷ đồng, chiếm 47% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Năm 2021, Trung Quốc chiếm tới 22% tổng doanh thu của ANV. Tuy nhiên, đến năm 2022, do ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid tại quốc gia này, doanh thu đến từ Trung Quốc đã sụt giảm 27% so với năm 2021 và chỉ chiếm 11% tổng doanh thu.
Năm 2022, ANV ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 4.897 tỷ đồng và 674 tỷ đồng.
Gặp khó
Theo báo cáo của Chứng khoán VNdirect, ngành thuỷ sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu tiêu dùng thủy sản suy yếu do lạm phát cao, lượng hàng tồn kho cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhập khẩu thủy sản của Mỹ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tồn kho tại thị trường này vẫn ở mức cao nên các nhà nhập khẩu phải giảm hoặc ngừng đặt hàng mới trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc chưa được như kỳ vọng. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng năm 2023 sang Trung Quốc chỉ đạt 364 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ do sự sụt giảm mạnh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra.
Sản phẩm tôm của Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn từ Ecuador và Ấn Độ khi thế mạnh của hai quốc gia này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Đối với xuất khẩu cá tra, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 68% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm.
VNdirect cho rằng, do nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính và chi phí sản xuất ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp cá tra, đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn so với năm 2022.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có phần lạc quan hơn về kết quả kinh doanh năm 2023 khi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với những thách thức của ngành tôm, VNdirect cho rằng, kế hoạch của các doanh nghiệp là khá tham vọng.
Trước khó khăn đó, các doanh nghiệp thuỷ sản đang tìm hướng đi mới. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Minh Phú cho hay, trong năm nay, công ty tập trung ba dự án lớn gồm: Nhà máy tẩm bột mới của Công ty Minh Phú Hậu Giang, Nhà máy chế biến mới của Công ty Minh Phát và Dự án đường ống nước biển ở Kiên Giang của công ty công nghệ cao, với mục tiêu mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng mỗi sản phẩm của Minh Phú trên thị trường.
Bên cạnh đó, Minh Phú còn xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú – lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuado từ năm 2035.
Bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàn cho biết, năm 2023 doanh nghiệp có thêm hai mảng kinh doanh mới là sản phẩm thức ăn thủy sản và sản phẩm rau củ quả đi vào hoạt động. Với việc tham gia vào chế biến thức ăn, Vĩnh Hoàn khép kín chuỗi cung ứng cá tra bền vững.
Thêm rau củ quả vào danh mục sản phẩm, Vĩnh Hoàn kỳ vọng phát triển thêm nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến đa dạng kết hợp thủy sản và nông nghiệp để cung cấp khẩu phần ăn dinh dưỡng và tiện lợi cho người tiêu dùng thế giới.