Cùng với sự nhân văn trong chương trình, chính sách giáo dục, hiện nay một số trường mầm non, tiểu học (công lập và ngoài công lập) tại TP.HCM đã phối hợp với các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, để các “shadow teacher” vào trường, tăng cường hỗ trợ học sinh đặc biệt, mang đến cho các em môi trường tốt nhất để học tập và phát triển.
Việc đưa các “shadow teacher” vào trường được thực hiện trên tinh thần đồng thuận của các phụ huynh, giáo viên (GV); gia đình chi trả các kinh phí cho các “shadow teacher”.
Công việc của các GV này thường là toàn thời gian, từ lúc trẻ đến trường tới lúc trẻ tan học nhưng cũng có thể bán thời gian, tùy thỏa thuận của gia đình. Thu nhập của mỗi GV đi theo một học sinh (HS) toàn thời gian không dưới 15 triệu đồng/tháng. Thế nhưng công việc này không dễ dàng.
Một ngày dài
7 giờ 45, cô Phan Thị Trà My (25 tuổi, tốt nghiệp ngành tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đứng trước cổng trường, đợi xe phụ huynh chở bé Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) đến và dắt bé vào lớp. Bé không nhìn cô, không có cử chỉ nào muốn hợp tác. Là một “shadow teacher”, cô My thấy việc này rất bình thường.
Cô My từng là GV can thiệp 1-1 cho trẻ hòa nhập. Tình cờ biết trung tâm hỗ trợ hòa nhập đang cần tuyển “shadow teacher” đi kèm HS tại một trường tiểu học ở H.Bình Chánh, TP.HCM, My đã đăng ký. Nhưng không phải các cô giáo đột ngột bước vào lớp, đi theo HS. Trước tiên cô My phải gặp gỡ HS và gia đình để làm quen với trẻ, thống nhất với gia đình mục tiêu, cách hỗ trợ của GV trên lớp.
“Tôi gặp bé Nam vào tháng 7.2023. Những ngày đầu Nam chưa hợp tác với cô giáo, coi như không biết cô, không nói chuyện với cô, bạn chưa có sự tin tưởng người đi cùng mình. Nhưng điều khiến tôi vững lòng đó là gia đình hiểu và chấp nhận Nam, ba mẹ còn đi học các khóa về chăm sóc, nuôi dạy các em bé đặc biệt, bạn cũng đã có quá trình can thiệp sớm từ trong thời gian mầm non. Do đó dần dần, khi đã quen cô My, hiểu cô rất yêu thương và quan tâm bạn, Nam đã hợp tác và có rất nhiều thay đổi tích cực”, cô My nói.
Mỗi ngày làm việc của cô My kéo dài hơn thời gian học tập trên trường của Nam. Bởi cô thường đến sớm hơn, để chuẩn bị đón Nam và về trễ hơn, sau khi hoàn thành các báo cáo về HS trong ngày, được gửi về trung tâm.
Chiếc cầu nối
Theo cô My, nhiệm vụ của một “shadow teacher” là bên cạnh việc đi kèm HS trong xuyên suốt các hoạt động tại trường và hỗ trợ cá nhân cho HS khuyết tật. Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của từng bạn, các thầy cô giáo “shadow” còn có những giờ hỗ trợ 1-1 tại phòng can thiệp cá nhân của trường hòa nhập nhằm giúp HS tiến bộ hơn.
“Mỗi HS hòa nhập có một giáo án cá nhân. Việc hỗ trợ của các “shadow teacher” giúp cho trường hòa nhập tối ưu hóa được quá trình học tập theo từng đặc điểm riêng của từng em. Tuy nhiên, “shadow teacher” không phải là người làm thay mọi điều cho HS mà là hỗ trợ để các em tự làm được. Đến một giai đoạn nào đó, tình hình của HS ổn, “shadow teacher” sẽ rút đi”, cô My cho hay.
Không chỉ hỗ trợ trong học tập, cô My còn như người thân, là chiếc cầu nối để Nam tham gia nhiều hơn các hoạt động nhóm, vui chơi với các bạn khác trong lớp, trong trường. “Có những ngày Nam rất ngoan, nhưng cũng có lúc tính bạn đột ngột thay đổi. Những lúc khó khăn nhất với tôi là bạn quá mất tập trung, phải mất rất nhiều thời gian để nhắc nhở. Hay có lúc bạn không muốn viết bài, không muốn làm gì. Khi mất kiểm soát, bạn nằm trên sàn, la hét. Với những bạn nhỏ đặc biệt, người thầy càng cần kiên nhẫn. Ba mẹ của Nam hiểu con và không đặt kỳ vọng gì cho cô giáo hay bản thân Nam phải đạt thành tích này khác, đó cũng là một phần giúp giảm áp lực cho những “shadow teacher” như tôi”, cô My tâm sự.
Khó khăn lớn nhất không đến từ phía học sinh
Cô Hồng Thảo Trân, 25 tuổi, tốt nghiệp ngành tâm lý học giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), đang là “shadow teacher” bán thời gian cho một HS tiểu học tại một trường quốc tế ở TP.HCM.
Bạn nhỏ tên Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi) có tư duy tốt, tuy nhiên khó khăn trong bộc lộ cảm xúc. Mỗi ngày cô Trân hỗ trợ Tuấn buổi sáng tại trường. Trong đó, cô ngồi cạnh Tuấn trong một tiết học với GV chủ nhiệm, hỗ trợ Tuấn biết cách tương tác, trả lời câu hỏi của thầy; cùng Tuấn tham gia giờ chơi. Sau đó, cô Trân có giờ can thiệp cá nhân 1-1 cho Tuấn tại trường. Vì là trường quốc tế, yêu cầu với một “shadow teacher” như cô Trân là sử dụng tiếng Anh tốt để có thể trao đổi với GV chủ nhiệm của Tuấn cũng như các thầy cô trong ban giám hiệu về việc học tập, sinh hoạt của HS tại trường.
“Tuấn nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt, vốn từ vựng của bạn phong phú. Bạn còn gặp khó khăn trong diễn đạt, biểu đạt cảm xúc. Trong thời gian trên lớp, tôi cũng rèn cho bạn kỹ năng viết tiếng Việt, viết tiếng Anh, đọc hiểu các văn bản ngắn, phân tích các câu hỏi để cho bạn dễ hiểu, hướng dẫn bạn làm các bài toán”, cô Trân cho biết. Đồng thời, với cô Trân, Tuấn là HS hợp tác nhất, thích luyện tập cùng cô giáo nhất trong số các trẻ của cô.
Mỗi ngày cô Trân bắt đầu ra khỏi nhà từ 8 giờ và thường trở về nhà lúc 20 giờ, với công việc can thiệp cho 6 HS ở nhiều mức độ cần hỗ trợ khác nhau.
“Shadow teacher” 25 tuổi bộc bạch, với cô, khó khăn nhất mà cô đang gặp không phải đến từ phía HS mà tới từ phía cha mẹ HS. Câu hỏi quen thuộc mà phụ huynh hay đặt ra cho các “shadow teacher” như cô Trân là “bao giờ con của anh chị hết bệnh?”, “bao giờ cháu tự đi học được như các bạn khác?”. (còn tiếp)
Cú huých tay của học trò
Nếu như cô Trân làm “shadow teacher” bán thời gian, một ngày cô sẽ được thay đổi nhiều môi trường và tiếp xúc với nhiều em nhỏ hòa nhập khác nhau (dẫu chưa hẳn đã ít vất vả hơn) thì nhiều GV làm toàn thời gian như cô My phải gắn bó với một HS như hình với bóng trong suốt thời gian dài, bó buộc thời gian hơn.
“Có những khi tôi sốt cao, nhưng khó mà để học trò tự một mình ở trên lớp, tôi uống thuốc và ráng đến lớp. Khi mới bắt đầu làm “shadow teacher”, tôi mệt, áp lực, nhất là những lúc HS không hợp tác. Nhưng tôi ngẫm lại, mình đã chọn học ngành này, chọn con đường này thì không thể bỏ cuộc như thế”, cô My bộc bạch.
Niềm an ủi quý giá với cô My đó là những HS hòa nhập sống rất tình cảm, dù cách các bạn bày tỏ tình cảm đặc biệt hơn.
Hôm ấy trời mưa, cô My che dù cho bé Nam, HS của mình đứng trước cổng trường trong khi chờ xe của ba mẹ tới đón. Lúc đang đứng đợi, cô My cứ thấy bé Nam huých tay vào tay mình. My tưởng bé bị ướt nên đòi cô che dù. Nào ngờ khi quay sang, có chiếc xe máy đang đi từ phía dưới lên, Nam sợ cô My bị xe tông phải nên ra hiệu để cô đứng lùi lại. Khó khăn trong diễn đạt, cậu bé đã ra dấu cho cô giáo bằng cách của riêng mình.
Hay một lần khác, thấy cô My bị thương ở tay, trong cả buổi học, bé Nam thi thoảng chạm tay cô, thơm nhẹ lên gần vết thương. Cô My hiểu rằng cậu học trò đang cố gắng muốn hỏi thăm và động viên cô giáo của mình cố lên…