Chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết các giải pháp để thực hiện chỉ tiêu Quốc hội giao trong lĩnh vực xử lý tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm đối với án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm đối với án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó nhấn mạnh đối với án hành chính.
Trả lời, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.
Tuy nhiên, thực tế ở nước ta có tâm lý, sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành, đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm. Tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều. Theo ông Trí, trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả tòa án và viện kiểm sát.
Đối với những vụ việc mà viện kiểm sát có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành kiểm sát không đạt bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ.
Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm áp lực lớn cho cả tòa án và viện kiểm sát. Thời gian tới, người dân cần nhận thức được điểm dừng, đồng thời các ngành tư pháp cũng phải nâng cao chất lượng giải quyết. Ngành kiểm sát cũng nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỉ lệ giải quyết đơn.
Theo đó, đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được tỉ lệ giải quyết.
Về án hành chính, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, hiện nay phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai. Thời gian tới, cần giải quyết những bất cập trong Luật Đất đai hạn từ đó hạn chế khiếu kiện tranh chấp, giá trị đất đai xác định khách quan.
Mặt khác, trong án hành chính có yếu tố cả nể. Cùng với đó, án hành chính liên quan đến quá trình dài, tính chất phức tạp, hồ sơ tài liệu không phải lúc nào cũng được cơ quan hành chính cung cấp đầy đủ.
Ngoài ra, việc tham gia phiên tòa của người đứng đầu cơ quan bị khởi kiện hạn chế, hay khi bản án có hiệu lực thi hành thì không phải lúc nào cũng được nghiêm túc thi hành.Từ những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết án hành chính.
Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, ông Trí cho biết, đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, hai yêu cầu này có mâu thuẫn trong thực tế vì đấu tranh mạnh mẽ không để lọt tội phạm dễ dẫn đến oan sai.
“Chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm rất khó khăn, thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ”, ông Trí nói.
Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, viện trưởng đã yêu cầu các kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định gắn chặt với công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như bắt khám, xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung đối chất về mặt nhận dạng.
Kiểm sát viên phải yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó…
Ông Trí cho biết, đã đề ra yêu cầu viện trưởng viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại.
Trường hợp phải đình chỉ vì không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của viện kiểm sát cấp trên.