Đi làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường là tự đặt mình vào bài toán phải hài hòa mọi nhiệm vụ. Áp lực và vất vả song nếu chọn hướng đi hợp lý, trái ngọt vẫn xứng đáng.
Tranh thủ từng phút
Làm việc bán thời gian trong các ngành như bán lẻ, dịch vụ khách hàng, gia sư… hoặc liên quan đến ngành học là chìa khóa lý tưởng để bạn trẻ bước đầu hình dung và hòa mình vào thị trường lao động thực thụ. Qua đó, càng vững vàng chuẩn bị cho quá trình đi làm chuyên nghiệp ở tương lai. Trần Lê Hồng Hà (quê Quảng Ngãi) học ngành Thương mại điện tử. Cô đang đảm nhiệm 3 công việc làm thêm: cộng tác viên marketing ở Trung tâm Tư vấn tuyển sinh của trường, gia sư dạy kèm môn lý – hóa và bán hàng online cho một cửa hàng. Cô kể: “Tôi bắt đầu làm thêm khi vào năm hai. Khi kiếm được tiền cũng là lúc tôi tập chi tiêu hiệu quả để trang trải chi phí trọ, ăn uống, sinh hoạt”.
Lê Trần Tuấn Kiệt (sinh viên ngành Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP HCM) đi làm ngay từ năm nhất tại một tiệm bánh ở TP Thủ Đức có lịch linh động theo ca. Mỗi tuần, Kiệt làm 5 ca, mỗi ca 5 giờ. Mức lương khởi điểm từ 20-25.000 đồng/giờ. Sau hơn 2 năm gắn bó, lương của Kiệt tăng lên cố định 35.000 đồng/giờ. Tháng có tăng ca hoặc lễ, Tết thì anh có thể được nhận khoảng 4 triệu đồng. Trước đây, Kiệt chưa có kiến thức hay tay nghề làm bánh. Nhờ công việc này, anh không chỉ “dễ thở” hơn trong các khoản chi mà còn được đào tạo nghề bánh miễn phí. Kiệt thấy hài lòng vì việc làm thêm đem đến niềm vui tinh thần, có thể chia sẻ đam mê ẩm thực với người khác.
Làm đi đôi với học
Không chỉ muốn có việc tạm thời, phụ giúp tài chính cho gia đình khi chưa tốt nghiệp, một bộ phận bạn trẻ ý thức quan tâm vun bồi chuyên môn, phát triển sự nghiệp về sau nên chú trọng tìm kiếm công việc gần ngành học để đem lại lợi ích đường dài.
Nguyễn Khắc Tín (sinh năm 2004, ngụ Đồng Nai) từng có giai đoạn làm nhân viên pha chế và phục vụ quán nước. Ban đầu, Tín làm công việc này để lấp đầy thời gian trống. Anh còn mang tập vở đến nơi làm việc, học lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, lượt khách ra vào quán không cố định khiến chuyện tranh thủ ôn bài khó khả thi. Khéo thu xếp nên kết quả học tập của Tín lúc đó ổn. Tuy vậy, anh vẫn dừng công việc và lập kế hoạch chỉ tìm những loại việc đem đến giá trị bổ trợ cho lĩnh vực đang theo đuổi là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Chàng sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam đã “ngắm nghía” các đầu việc thuộc lĩnh vực F&B và cơ hội thực tập tại sân bay hè này. Tiêu chí hàng đầu của Tín là môi trường, loại hình công việc giúp anh có cơ hội trau dồi ngoại ngữ, nắm bắt tâm lý khách hàng, thích ứng với biến đổi và giải quyết tốt tình huống.
Bạn trẻ hiểu rằng mỗi ngày đi làm chính là một dịp để học, thực hành bao điều được chỉ dạy trong trường, để rút tỉa vốn sống. Hồng Hà từng làm việc 8 giờ liên tục vào ca đêm tại cửa hàng tiện lợi suốt 3 tháng đến độ kiệt quệ. Thiếu ngủ nên cô luôn uể oải và giật mình nhận ra sức trẻ có hạn. Hà bộc bạch: “Tôi học cách tạo thời gian biểu trên Excel để cân đo việc học, việc làm và nghỉ ngơi; không để việc học bị ảnh hưởng do mê làm hoặc quên, thiếu sót này kia. Nhờ biết quản trị thời gian nên tôi giữ được chất lượng học tập và còn dự thi nghiên cứu khoa học của trường”.
Còn Tuấn Kiệt thì đôi khi rất căng thẳng bởi các đơn hàng gấp. Anh nhấn mạnh bài học đáng giá là tích cực phối hợp với nhóm, phân chia khối lượng công việc rõ ràng, có thái độ chủ động hơn trong cuộc sống.
Mới đây, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm song không quá 20 giờ/tuần và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Đề xuất lập tức thu hút sự quan tâm. Thạc sĩ Lưu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: “Hiện nay, rất nhiều sinh viên đi làm thêm với nhu cầu chính đáng để trưởng thành hơn, san sẻ gánh nặng tiền nong của cha mẹ… Tuy nhiên, thực tế là không ít bạn sa đà làm thêm, thậm chí làm hơn 40 giờ/ tuần, dẫn đến đủ hệ lụy: sức khỏe sa sút, mệt mỏi khi đến giảng đường, khó tiếp thu bài giảng. Từ đó, rơi vào tình trạng rớt môn, nợ môn, ảnh hưởng tiến độ học tập. Đề xuất trên sẽ góp phần khống chế được thời gian làm thêm và giúp bạn trẻ cần ưu tiên cho học tập”.
Nguồn: https://nld.com.vn/vua-hoc-vua-lam-bai-toan-can-bang-19624042720425385.htm