Đức vua đã phát biểu trước hàng nghìn hậu duệ của những nô lệ thuộc Suriname và các nước vùng Caribe. Bài phát biểu của ông đã được đón nhận tích cực, nhưng nhiều người nói rằng họ muốn Hà Lan phải bồi thường.
“Hôm nay tôi đứng đây trước mặt các bạn với tư cách là vua của các bạn và là một phần của chính phủ. Hôm nay tôi muốn xin lỗi chân thành”, ông Willem-Alexander nói.
Sự kiện “Keti Koti” (“phá vỡ xiềng xích” trong tiếng Suriname) để kỷ niệm 150 năm xóa bỏ chế độ nô lệ ở các thuộc địa cũ của Hà Lan, được tổ chức trong khu vườn Oosterpark của thủ đô. Nhiều người tham gia mặc quần áo sặc sỡ của người Suriname.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thay mặt chính phủ chính thức xin lỗi vào tháng 12. “Việc buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ được công nhận là tội ác chống lại loài người”, Đức vua nói. “Các quốc vương và những người cai trị Nhà Cam đã không thực hiện những điều cần thiết để chống lại chế độ này”.
“Hôm nay, tôi cầu xin sự tha thứ vì hành động thiếu rõ ràng”, Đức vua nói thêm. Những người có mặt đã rất hoan nghênh lời xin lỗi của nhà vua.
“Đức vua nói với những người từ Suriname rằng ông ấy rất tiếc”, Abmena Ryssan, 67 tuổi, cho biết. “Có lẽ bây giờ ông ấy có thể làm điều gì đó cho người da đen”.
Kể từ khi phong trào Black Lives Matter nổi lên ở Mỹ, Hà Lan đã lao vào một cuộc tranh luận gay gắt thường xuyên về quá khứ buôn bán nô lệ và thuộc địa. Việc buôn bán này đã giúp Hà Lan trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Hoàng gia Hà Lan thường nằm ở trung tâm các cuộc tranh luận. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 cho thấy gia đình hoàng gia đã kiếm được 545 triệu euro (tính theo thời giá hiện tại) từ năm 1675 đến 1770 từ các thuộc địa.
Vào năm 2022, Vua Willem-Alexander thông báo rằng ông sẽ từ bỏ chiếc xe ngựa Hoàng gia truyền thống vì có hình ảnh nô lệ được chạm khắc ở hai bên hông.
Ông Rutte vào tháng 12 cũng mô tả chế độ nô lệ là “tội ác chống lại loài người”. Các Bộ trưởng Hà Lan cũng đã tới thăm bảy thuộc địa cũ của đất nước. Vài ngày sau, nhà vua nói trong bài phát biểu Giáng sinh rằng lời xin lỗi của chính phủ là “khởi đầu của một hành trình dài”.
Chế độ nô lệ chính thức bị bãi bỏ ở Suriname và các vùng đất khác do Hà Lan nắm giữ vào ngày 1/7/1863, nhưng chỉ kết thúc vào năm 1873 sau giai đoạn “chuyển tiếp” kéo dài 10 năm.
Trung Kiên (theo AFP)