Thưa ông, những thông tin về sự việc vận động viên (VĐV) Phạm Như Phương xin giải nghệ cũng như hé lộ góc khuất về những chuyện phải nộp 10% tiền thưởng huy chương, nộp tiền “quỹ lạ” mà báo Dân trí đã đăng tải những ngày qua, phía Cục Thể dục Thể thao (TDTT) đã có những chỉ đạo gì trong việc kiểm tra xử lý?
– Trước những thông tin báo Dân trí đã nêu, thời gian xảy ra rất nhanh, Cục TDTT đã phối hợp với Phòng thể thao thành tích cao, Liên đoàn thể dục Việt Nam cũng như các ban ngành liên quan để tổ chức tới 2 cuộc họp liên tiếp trong hai ngày vừa qua nhằm làm rõ sự việc.
Có hai vấn đề lớn mà chúng tôi tập trung tìm hiểu: Một là chuyện VĐV đội tuyển TDDC quốc gia Phạm Như Phương quyết định giải nghệ, nguyên nhân lý do dẫn tới việc này và hướng xử lý.
Hai là có hay không những tiêu cực xảy ra trong chuyện thu tiền thưởng huy chương, thu tiền quỹ trái quy định giữa HLV với VĐV? Chúng tôi phải xem lỗi ở đâu, là sai phạm của cá nhân HLV hay của tập thể Ban huấn luyện, là sai phạm xảy ra ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội hay còn ở cả đội tuyển quốc gia?
Ngay sáng hôm nay chúng tôi đã có một cuộc họp rất dài với Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia Hà Nội, với Ban huấn luyện đội tuyển Thể dục dụng cụ (TDDC) quốc gia, các ban ngành liên quan để nắm thật kỹ sự việc.
Lỗi lớn thuộc về 2 HLV của VĐV Phạm Như Phương
Như vậy đến thời điểm hiện tại, Cục TDTT có lẽ đã được nghe giải trình từ các bên liên quan và cụ thể đã nắm bắt được những gì, thưa ông?
– Về vụ việc VĐV Phạm Như Phương giải nghệ, chúng tôi đã được nghe giải trình từ các HLV cũng như của Bộ môn TDDC ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Chúng tôi thừa nhận những thông tin mà báo Dân trí phản ánh là chính xác.
Chuyện VĐV Phạm Như Phương xin đi Mỹ và có làm đơn xin phép tới 2 HLV, nói đúng hơn là giấy cam kết của gia đình gửi tới 2 HLV là có thật. Đáng tiếc hai HLV Nguyễn Hà Thanh và HLV Nguyễn Thùy Dương của Phương đã không làm đúng thủ tục quy trình khi không báo cáo lên Bộ môn TDDC của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội để xin phép. Trách nhiệm lớn nhất trong việc này thuộc về HLV Hà Thanh và Thùy Dương.
Hệ quả là sau khi Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT nắm được việc VĐV Phạm Như Phương đi nước ngoài không có làm đơn, không báo cáo xin phép theo đúng quy định và đã không đề xuất em vào danh sách tập huấn đội tuyển TDDC quốc gia năm 2024.
Xin nói rõ quyết định của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội về việc không đề cử VĐV Phạm Như Phương vào danh sách tập huấn của đội tuyển TDDC quốc gia ở thời điểm đó là đúng, bởi việc triệu tập VĐV vào đội tuyển quốc gia có một quy chuẩn cụ thể, là VĐV phải có mặt ở thời điểm triệu tập, phải trải qua thời gian tập luyện đủ tốt để có được phong độ tốt nhất.
Trong khi VĐV Phạm Như Phương lúc đó vẫn đang ở Mỹ (từ giữa tháng 12/2023 đến đầu tháng 1 năm nay), không trải qua thời gian tập luyện cần có.
Như ông đã xác nhận, VĐV Phạm Như Phương có làm đơn tới 2 HLV nhưng 2 HLV quên báo cáo, quên gửi đơn xin phép lên lãnh đạo, dẫn tới VĐV này bị gạch tên khỏi danh sách đội tuyển quốc gia và phải chọn con đường giải nghệ vì quá thất vọng. Ông nghĩ sao khi lỗi của người lớn, lỗi xảy ra ở mắt xích quan trọng nhất trong quy trình làm thủ tục xin phép đi Mỹ, dẫn tới hệ quả lớn hơn là một VĐV tài năng phải xin giải nghệ ở tuổi 20.
– Phải khẳng định là đội tuyển quốc gia chưa bao giờ gạch tên Phạm Như Phương khỏi danh sách. Không có một biên bản, một án kỷ luật nào về việc này cả. Chúng ta phải hiểu là đội tuyển quốc gia không gạch tên, mà là không triệu tập em Phương ở thời điểm đó, vì em không có mặt và không có phong độ tốt nhất.
Nếu Phạm Như Phương tiếp tục tập luyện, đạt được phong độ tốt, đội tuyển quốc gia sẽ triệu tập em ấy trở lại. Đội tuyển quốc gia luôn chào đón, luôn cần có những VĐV trẻ, tài năng như Phạm Như Phương. Vì vậy chúng tôi cảm thấy rất tiếc vì sự việc này mà Phạm Như Phương quyết định giải nghệ.
Thưa ông, liệu ông có thấy tiếc với quyết định giải nghệ ở tuổi 20 của Phạm Như Phương và liệu chúng ta có nên tìm cách để giữ chân nhân tài, thuyết phục VĐV này trở lại đội tuyển và cống hiến cho TDTT nước nhà?
– Tôi cũng từng trải qua thời gian là VĐV, là HLV và chuyển sang làm công tác chỉ đạo, quản lý nên tôi rất hiểu, rất tiếc nuối trước sự việc Như Phương giải nghệ. Để đào tạo được một VĐV cho thể thao thành tích cao là cả một quá trình lâu dài và tốn kém. Nó cần công sức của rất nhiều khâu, nhiều người.
Mỗi VĐV của thể thao thành tích cao phải mất ít nhất 10 năm tập luyện, như Như Phương là gần 14 năm tập luyện, phải nỗ lực hi sinh rất nhiều. Quy trình đào tạo VĐV thể thao thành tích cao phải có sự tham gia của rất nhiều HLV, của đội ngũ làm công tác chuyên môn, để có thể gặt hái được thành tích.
Thế nhưng Như Phương giải nghệ ở tuổi 20 là điều đáng tiếc. Trong thời gian tới, chúng tôi cùng với các ban ngành sẽ gặp gỡ gia đình VĐV này, để lắng nghe thêm tâm tư nguyện vọng nhưng tôi nghĩ sẽ khó đấy, bởi em ấy đã ra quyết định cho riêng mình sau sự việc.
Sai phạm cá nhân là con sâu làm rầu nồi canh?!
Thưa ông, chuyện Như Phương xin giải nghệ đã rõ, vấn đề bạn đọc Dân trí quan tâm là câu chuyện thu phế 10% tiền thưởng huy chương, thu 50% tiền thưởng nóng cũng như những khoản quỹ lạ mà VĐV Phạm Như Phương đã tố cáo, Cục TDTT đã kiểm tra và làm rõ việc này như thế nào?
– Là người đứng đầu ngành, tôi khẳng định chủ trương, quy định của ngành là nghiêm cấm việc lập quỹ, cấm tuyệt đối việc HLV thu bất kỳ khoản tiền nào từ các VĐV. Chúng tôi nghiêm cấm đội tuyển TDDC quốc gia hay bất kỳ đội tuyển nào của địa phương được phép thu tiền từ các VĐV hay lập quỹ trái phép. Bất kỳ ai sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp luật.
Về chuyện bị thu 10% tiền thưởng huy chương, thu 50% tiền thưởng nóng hay lập quỹ lạ như VĐV Phạm Như Phương đã tố cáo, qua các biên bản giải trình từ HLV, đến thời điểm này chúng tôi xác nhận có chuyện đó và người vi phạm là HLV Nguyễn Thùy Dương. HLV này đã thừa nhận có sự việc. Việc này là sai phạm cá nhân của một người chứ không phải của tập thể.
Ở đội tuyển quốc gia không có những khoản thu phế, lập quỹ này. HLV Trương Tuấn Hiền của đội tuyển nam và HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy của đội tuyển nữ TDDC quốc gia khẳng định không có thu phế tiền thưởng huy chương hay lập quỹ. Chuyện này là của riêng HLV Nguyễn Thùy Dương, dù cô ấy cũng là HLV của đội tuyển quốc gia.
Trước mắt, chúng tôi đã chỉ đạo cho dừng công tác huấn luyện viên đội tuyển TDDC quốc gia với HLV Nguyễn Hà Thanh và HLV Nguyễn Thùy Dương – hai HLV để xảy ra việc quên báo cáo việc VĐV Phạm Như Phương đi Mỹ. Còn chuyện tiêu cực về thu phí tiền thưởng của HLV Nguyễn Thùy Dương, chúng tôi đang yêu cầu báo cáo giải trình chi tiết hơn để có hướng xử lý.
Thưa Cục trưởng, báo chí thời gian qua đã đề cập đến những tiêu cực xảy ra ở đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia, và tiếp đó là ở đội tuyển TDDC quốc gia. Để không tiếp tục xảy ra những chuyện mà như ông nói “con sâu làm rầu nồi canh” thì Cục TDTT cần có biện pháp gì đủ sức răn đe?
– Là người đứng đầu ngành, tôi cảm thấy buồn và thất vọng trước những chuyện đã xảy ra. Sau những việc này, chúng tôi cần phải tổ chức những cuộc họp, lắng nghe những ý kiến từ các chuyên gia, từ các bộ phận chuyên môn để có những biện pháp, những chính sách đủ tốt trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các HLV, VĐV trong quá trình tập luyện và thi đấu để mang về thành tích cao cho thể thao nước nhà.
Về tài chính, chúng tôi sẽ luôn công khai các nguồn thu chi, để các HLV, VĐV nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Ngược lại, tất cả những ai, những đơn vị nào để xảy ra sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý triệt để, đủ sức răn đe và làm gương cho người khác.
Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này!