YênBái – Dám nghĩ, dám làm để khẳng định sức trẻ, anh Vũ Văn Ngân, 33 tuổi ở thôn Phú Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên hiện là chủ nhân của xưởng cơ khí chế tạo máy với thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
>> Văn Yên: Nữ doanh nhân nhiệt huyết với sản phẩm từ quế
Cùng lãnh đạo xã Yên Phú, chúng tôi đến thăm xưởng cơ khí của anh Ngân khi anh đang cùng công nhân hoàn tất các chi tiết cuối cùng củ máy tách vỏ quế để giao cho khách. Qua câu chuyện với anh Ngân được biết, trước khi đến với nghề cơ khí, Ngân cũng đã trải qua khá nhiều nghề khác nhau.
Là con cả trong gia đình có 3 anh chị em, vì cuộc sống khó khăn nên sau khi học xong cấp 3, Ngân đành gác lại ước mơ bước chân vào cổng trường đại học để cùng với bố mẹ phụ giúp các em ăn học. Xoay xở đủ nghề từ lái máy ủi, sửa chữa công cụ cơ khí thô sơ, rồi làm công nhân cho xưởng sửa chữa ô tô ở thành phố Yên Bái.
Tuy nhiên, vốn là người có niềm đam mê cơ khí từ lâu, nên sau nhiều năm đi làm thuê, có chút vốn và vay mượn thêm, năm 2016, Ngân mày mò tìm hiểu rồi chế tạo chiếc máy bóc vỏ cành quế. Chỉ là những chi tiết khung sắt, mô tơ tiện 3 pha với kết cấu đơn giản, Ngân đã chế tạo thành công chiếc máy bóc vỏ cành quế. Tuy nhiên, sản phẩm đầu tay đã không như mong muốn bởi nó khá cồng kềnh, tốn nhiều chi tiết nên giá thành khá cao.
Quyết tâm làm bằng được, Ngân đã tham khảo các kiến thức trên mạng và về một số xưởng cơ khí ở Yên Bái để tham quan, học tập. Vậy là, chiếc máy bóc vỏ cành quế đã dần hoàn thiện hơn, bớt được nhiều chi tiết để hạ giá thành sản phẩm. Mỗi sản phẩm hoàn thành, Ngân lại đúc rút cho mình thêm kinh nghiệm để những sản phẩm sau càng hoàn thiện hơn.
Lúc đầu, anh chỉ làm vài chiếc để chào hàng, thử nghiệm tại địa phương, nhưng 1 năm sau, sản phẩm của Ngân đã có mặt ở một số địa phương lân cận trong tỉnh rồi vươn ra ngoài tỉnh. Đơn hàng đã có, Ngân thuê diện tích đất mặt đường thuận lợi trong thôn để mở xưởng, thuê thêm công nhân cùng làm.
Vũ Văn Ngân cho biết: “Ban đầu, tôi nghĩ chỉ làm một chiếc máy bóc vỏ cành quế để phục vụ gia đình, bởi nhà tôi có 1 ha quế. Mỗi năm đến vụ thu hoạch quế thì chỉ thân cây và cành to thì bóc được bằng phương pháp thủ công, còn những cành nhỏ bán cho nhà máy chế biến tinh dầu quế. Muốn khai thác triệt để sản phẩm quế vỏ thì phải đập dập cành rồi lại mất thêm công để bóc bỏ, nên mất khá nhiều thời gian. Nếu như có chiếc máy thay cho các công đoạn đó thì giá trị khai thác quế sẽ cao hơn nhiều. Từ suy nghĩ đó, tôi đã mày mò tìm hiểu và chế tạo thành chiếc máy bóc vỏ quế cành. Từ khi có chiếc máy này, tất cả các loại cành quế đều có thể tách vỏ khá đơn giản, không cần nhiều nhân công như trước”.
Ban đầu mới chế tạo chiếc máy bóc vỏ quế, có khi cả tuần Ngân mới lắp ráp, chế tạo xong một chiếc máy thì nay mỗi ngày có thể làm xong 1 – 3 chiếc, tùy thuộc vào nhu cầu người dùng. Mỗi chiếc máy có giá trị khác nhau và thấp nhất khoảng 10 triệu đồng, cao nhất là 36 triệu đồng.
Tính riêng năm 2022, xưởng của Ngân đã xuất bán 500 chiếc các loại cho các tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Nam, Sơn La… và trừ chi phí thuê mặt bằng, trả lương 8 công nhân với mức 400.000 đồng/người/ngày, nộp thuế, trừ tiền mua nguyên vật liệu, chi tiết máy móc, mỗi năm Ngân thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Chia sẻ về những dự định cho tương lai, Ngân cho biết, sẽ làm thủ tục để đăng ký sản phẩm độc quyền nhằm bảo hộ thương hiệu của mình; đồng thời, mở rộng quy mô chế tạo thêm các loại công cụ nông nghiệp khác nhằm giải phóng sức lao động cho người dân để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Đồng thời, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho lao động là lực lượng thanh niên của địa phương và thúc đẩy phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp tại địa phương mình. Hiệu ứng quan trọng nữa là, từ mô hình chế tạo máy bóc vỏ quế của Vũ Văn Ngân, đã tạo thêm động lực để cấp ủy, chính quyền xã Yên Phú nhân rộng phong trào khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên và phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 – 5 mô hình lập nghiệp do thanh niên làm chủ.
Thanh Tân