GDVN-Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL): “Hãy đọc sách mỗi ngày, vì sách là người bạn đồng hành tuyệt vời trên con đường tri thức và cuộc sống!”
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc, khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách nhằm hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức, khả năng sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Vòng Chung kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2024.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng ban Tổ chức Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024, đã có một số chia sẻ về cuộc thi.
Bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ảnh: NVCC.
Phóng viên: Thưa bà, xin bà cho biết về mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024? Đặc biệt, Cuộc thi năm nay hướng đến thông điệp gì, thưa bà?
Bà Kiều Thúy Nga: Là một trong những hoạt động triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 nhằm khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Thông qua các hoạt động, cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa đọc trong việc góp phần lan tỏa tri thức, nâng cao dân trí, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đối với thế hệ trẻ.
Phóng viên: Trong khuôn khổ Cuộc thi năm nay, tại Vòng Sơ khảo, đã nhận được số lượng bài dự thi, đa dạng hình thức, thể loại; với sự tham gia của đông đảo các tác giả như thế nào? Bà có đánh giá như thế nào về chất lượng các bài dự thi năm nay?
Bà Kiều Thúy Nga: Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 được khởi động từ tháng 03/2024. Sau 04 tháng phát động và triển khai, Cuộc thi đã thu hút 1.686.865 học sinh, sinh viên từ gần 9.200 cơ sở giáo dục tham gia vòng sơ khảo.
Ban Tổ chức đã nhận được 517 bài dự thi là các bài dự thi đạt giải cao tại vòng sơ khảo từ 60 tỉnh/thành, Hội Người mù Việt Nam, các trường đại học/học viện thuộc Bộ Quốc phòng và 43 trường cao đẳng, đại học/học viện trên cả nước tham gia vòng chung kết.
Qua tổ chức chấm chọn, có thể thấy, nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu, đảm bảo cả về nội dung và kỹ thuật, có tác dụng giáo dục lớn và có hiệu ứng tốt đối với người xem. Cuộc thi đã phát huy sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của các em học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, chất lượng các bài dự thi năm nay đã có sự nâng cao, thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn cuốn sách chia sẻ, nội dung, kỹ thuật viết cũng như khả năng sáng tạo. Nhiều câu chuyện cảm động, cuốn sách hay đã được chia sẻ. Các em đã thể hiện niềm say mê và dành nhiều tâm huyết để thực hiện bài dự thi. Một số bài thi đã sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, khiến khả năng lan tỏa được tăng cường hơn.
Phóng viên: Qua đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn được bao nhiêu bài dự thi tiến vào vòng chung kết? Việc lựa chọn này căn cứ trên những tiêu chí gì? Những tiêu chí này có gì thay đổi so với các năm trước?
Bà Kiều Thúy Nga: Từ 517 bài dự thi tại vòng chung kết, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo đã lựa chọn được 140 bài dự thi xuất sắc để trao giải. Việc chấm chọn các bài dự thi dựa trên Thể lệ Cuộc thi đã được ban hành kèm theo Công văn số 1173/BVHTTDL ngày 22/3/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể: Bài dự thi phải đảm bảo trả lời đầy đủ 02 câu hỏi được đặt ra trong Đề thi; có nội dung lành mạnh, trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam, đảm bảo tính chính xác, an toàn thông tin và các quy định pháp luật khác có liên quan; hình thức trình bày có thể sử dụng một trong 02 hình thức là viết (đánh máy hoặc viết tay) hoặc dựng video. Bên cạnh đó, các Bài dự thi cũng cần tuân thủ quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan…
Phóng viên: Xin bà cho biết, thành phần Ban Giám khảo năm nay có gì đặc biệt so với các năm trước? Đồng thời, bà có kỳ vọng gì về những bài dự thi sẽ đạt giải trong thời gian tới? Với những tiêu chí như thế nào, sẽ được đánh giá cao?
Bà Kiều Thúy Nga: Thành phần Ban Giám khảo gồm 11 thành viên, đều là những người có chuyên môn và kinh nghiệm, đã từng tham gia chấm thi trong các cuộc thi trước đây.
Đặc biệt, năm nay, Ban Tổ chức đã mời thêm một số giảng viên từ các trường đại học để tham gia vào quá trình chấm thi, nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên môn của cuộc thi.
Qua đây, Ban Tổ chức kỳ vọng, những bài dự thi đạt giải sẽ không chỉ xuất sắc về nội dung mà còn mang tính sáng tạo cao, có khả năng truyền cảm hứng và lan tỏa thông điệp tích cực về văn hóa đọc. Những bài dự thi có tính nhân văn, sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tiễn sẽ được đánh giá cao.
Ban Giám khảo chấm bài dự thi Chung kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024. Ảnh: NVCC.
Phóng viên: Một trong các câu hỏi của đề thi yêu cầu viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm thúc đẩy việc đọc sách trong các đối tượng: người dân ở khu vực biên giới, hải đảo; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật chữ in… Bà có chia sẻ gì đối với nội dung này? Các bài dự thi liệu có đóng góp được phần nào những sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc thúc đẩy văn hóa đọc ở vùng khó khăn?
Bà Kiều Thúy Nga: Việc thúc đẩy văn hóa đọc ở các khu vực khó khăn như biên giới, hải đảo, vùng kinh tế – xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật là một nhiệm vụ quan trọng và mang tính chiến lược.
Đây là một câu hỏi rất ý nghĩa và thiết thực, nhằm tìm kiếm những giải pháp cụ thể để thúc đẩy văn hóa đọc trong các đối tượng đặc biệt này.
Tôi tin rằng, các bài dự thi sẽ mang đến nhiều sáng kiến hữu ích, từ việc xây dựng các tủ sách lưu động, tổ chức các buổi đọc sách cộng đồng, đến việc phát triển các ứng dụng đọc sách điện tử phù hợp với người khuyết tật. Những sáng kiến này không chỉ giúp nâng cao văn hóa đọc, mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và tri thức của người dân ở các vùng khó khăn.
Phóng viên: Bà kỳ vọng Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sẽ được lan tỏa và tiếp nối ở những năm sau như thế nào? Bà có thông điệp gì liên quan đến Văn hóa đọc muốn nhắn nhủ chung đến thế hệ trẻ?
Bà Kiều Thúy Nga: Qua các bài dự thi, có thể nhận thấy: Văn hóa đọc đã có tác động rất lớn đến việc hình thành trí tuệ, nhận thức, nhân cách của học sinh, sinh viên. Từ việc đọc sách, các em đã hình thành lòng nhân ái, vị tha, biết quan tâm đến người khác. Một số em học sinh, sinh viên đã âm thầm trở thành những đại sứ văn hóa đọc, đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh còn khó khăn trong cộng đồng xã hội.
Tôi hy vọng rằng, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, trở thành một hoạt động thường niên thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Cuộc thi không chỉ mang đến những giá trị về tri thức mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc văn hóa.
Thông điệp tôi muốn gửi đến thế hệ trẻ là: “Hãy đọc sách mỗi ngày, vì sách là người bạn đồng hành tuyệt vời trên con đường tri thức và cuộc sống!”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
Ban Tổ chức Vòng Chung kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sẽ trao Giấy chứng nhận và giải thưởng Cuộc thi cho các cá nhân và tập thể đạt giải. Những bài dự thi xuất sắc nhất có thể được Ban Tổ chức tuyển chọn và in thành sách.