Cuộc họp có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cùng hơn 500 phụ huynh để bàn giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.
Cần huy động nguồn vốn ngắn hạn để trả nợ lương giáo viên
Trao đổi với phụ huynh tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết hôm qua (29-3), Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ AIS (chủ đầu tư của Trường quốc tế AISVN) đã có tờ trình báo cáo về việc tái cơ cấu công ty để tiếp tục duy trì hoạt động ổn định của trường, gửi UBND TP.HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Đại diện trường quốc tế AISVN nói gì với phụ huynh sau những lùm xùm?
Mục tiêu quan trọng trước mắt là công ty cần huy động sớm nhất nguồn vốn ngắn hạn, đủ để vận hành ổn định đến hết năm 2023 – 2024 cho học sinh, trong đó ưu tiên nguồn tiền trang trải kinh tế trả lương, bảo hiểm, nhà ở cho giáo viên nước ngoài để ổn định việc giảng dạy.
Theo phương án ngắn hạn, nhà trường dự kiến khoản chi 125 tỉ đồng. Trong đó, tổng nợ chi lương, vận hành của trường cụ thể một phần còn lại tháng 1-2024, 2-2024 và 3-2024 hiện nay là 48 tỉ đồng. Tổng dự tính chi phí vận hành của trường từ tháng 4-2024 đến 6-2024 khi cắt giảm các chi phí hợp lý là 77 tỉ đồng.
Trường quốc tế AISVN dự kiến khoản thu là 121 tỉ đồng, thu bổ sung vốn lưu động chủ đầu tư 4 tỉ đồng. Trường thuyết phục phụ huynh chi phí IB nâng cao, phí xe buýt, phí cơ sở vật chất, học phí thường niên, học phí trọn khóa 47 tỉ đồng; thuyết phục phụ huynh hỗ trợ thu bù mức học phí bình quân theo mức giá học phí niêm yết ba tháng.
Kêu gọi phụ huynh góp thêm tiền để trường hoạt động đến hết năm học
Nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm tiền hỗ trợ để giải quyết khó khăn tài chính. Tùy thuộc vào độ tuổi, nội dung chương trình học, phụ huynh sẽ đóng theo dự toán của bộ phận kế toán nhà trường theo các mức khác nhau từ 9,5 – 25 triệu đồng/tháng.
Ông Hiếu đề nghị đại diện phụ huynh cần cử ra một nhóm để thành lập tài khoản mới, cử đại diện từng khối lớp.
“Theo định mức trên, tôi đề nghị phụ huynh chung tay thì gánh nặng sẽ nhẹ đi. Nếu hôm nay thống nhất được, sở sẽ tổ chức thành các tổ tài chính, cùng với ban đại diện cha mẹ học sinh vận hành thu và chi định kỳ (chi trả nợ lương cho giáo viên và các khoản chi cần thiết) để nhà trường hoạt động từ nay đến cuối tháng 6-2024”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng yêu cầu từ đây đến cuối năm học chỉ tập trung cho các khoản chi thiết yếu đủ để vận hành nhà trường (chi cho đội ngũ thầy cô giáo, bảo hiểm xã hội, chi phí xe đưa đón học sinh, các thiết bị phục vụ dạy học…).
“Tôi muốn mỗi khối lớp, phụ huynh cử ra một đại diện để tham gia tổ tài chính điều hành từ nay đến kết thúc năm học”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đó, tổ này sẽ rà soát lại các khoản chi của kế toán nhà trường như thế có phù hợp không, trên tinh thần các sở ngành yêu cầu là chi những nội dung thiết thực nhất để vận hành nhà trường.
Tổ chuyên môn sẽ cùng làm việc với hiệu trưởng tính toán số lượng học sinh đồng thuận đi học để bố trí lớp, đảm bảo chất lượng dạy học.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh bức xúc và không đồng ý với đề nghị này. “Thực tế chúng tôi đều đã đóng tiền tỉ đầu tư vào trường để con được học. Nhiều người phải vay tiền ngân hàng để có tiền nộp cho trường. Nếu không có tiền đóng thì nhà trường cấm cửa không cho con chúng tôi học nữa hay sao?”, một nhóm phụ huynh bức xúc.
Trường khó khăn tài chính do đâu?
Theo Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ AIS, thời gian qua, công ty gặp khó khăn trong việc quản lý vận hành do tình hình tài chính khó khăn, lỗ, thiếu hụt tiền.
Nguyên nhân chính là do công ty đã đầu tư chi phí lớn cho các công trình xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trong trường từ vốn của chủ đầu tư và nguồn vốn huy động của phụ huynh.
Hằng năm, nhà trường vẫn thường xuyên chi kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đóng các chi phí chương trình tú tài quốc tế (IB) trong khi các khoản này nhà trường không thu bù phụ huynh trong nhiều năm qua.
Hằng năm nhà trường chi khoản kinh phí lớn cho hoạt động của tuyến xe buýt dài hạn miễn phí đưa đón học sinh.
Với dự kiến công năng khoảng 4.000 học sinh nhưng thực tế nhà trường chỉ mới tuyển được gần 1/2 số lượng.
Trong các năm 2022 và 2023, lãi suất các hợp đồng vay và lãi huy động trái phiếu lên cao dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh, cộng với khó khăn dịch COVID-19 khiến tình hình càng khó khăn do nguồn thu giảm mạnh, trong khi gần như toàn bộ chi phí không đổi (kết quả thể hiện qua các số liệu kết quả thanh tra thuế).
Ngoài ra, công ty hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư khác ngoài giáo dục. Với khó khăn ngoài dự tính, công ty đã tạm thời mất thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến việc trả chậm lương của các giáo viên và chậm hoàn tiền cho phụ huynh học sinh với hợp đồng hợp tác đầu tư.
Hơn 84% học sinh Trường quốc tế AISVN muốn tiếp tục học tại trường
Theo kết quả khảo sát thăm dò ý kiến phụ huynh về các hình thức học tập của Trường quốc tế AISVN, thống kê đến 17h ngày 29-3:
Tổng số học sinh mong muốn tiếp tục học tại Trường quốc tế AISVN: 84,56%.
Tổng số học sinh có nhu cầu chuyển trường: 3,27%.
Tổng số phụ huynh có ý kiến khác: 5,1% (đại đa số các ý kiến khác: phụ huynh mong muốn đảm bảo các cam kết trong hợp đồng đã được ký kết với nhà trường).
Tổng số phụ huynh chưa nộp khảo sát: 7,07%.