Các vụ tập kích liên tiếp vào tỉnh Belgorod có thể buộc Nga điều quân khỏi tiền tuyến ở Ukraine để bảo vệ biên giới, khiến tuyến phòng thủ bị dàn mỏng.
Giới chức Belgorod, tỉnh tây nam Nga giáp biên giới với Ukraine, ngày 24/5 thông báo nhiều UAV đã xâm nhập, thả thiết bị nổ xuống nhiều công trình tại thành phố thủ phủ của tỉnh. Vụ tập kích UAV xảy ra một ngày sau khi hai nhóm vũ trang thân Ukraine ngày 22/5 sử dụng nhiều xe bọc thép vượt biên vào Belgorod, tấn công một chốt kiểm soát biên phòng, khiến một sĩ quan thiệt mạng và 13 người bị thương.
Đây là những vụ tập kích qua biên giới có quy mô lớn nhất và táo bạo nhất kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine. Chúng cũng diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine chuẩn bị tiến hành chiến dịch phản công lớn, buộc Nga phải triển khai lực lượng củng cố thế trận phòng thủ trên chiến tuyến hơn 1.000 km.
“Người Ukraine đang cố kéo giãn lực lượng Nga theo các hướng khác nhau để tạo ra khoảng trống. Nga sau đó sẽ buộc phải gửi quân chi viện đến lấp các khoảng trống này, khiến lực lượng của họ càng bị kéo căng hơn”, Neil Melvin, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.
Nga đang tập trung phần lớn lực lượng ở vùng Donbass, nơi chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội nhiều tháng qua, đặc biệt tại thành phố Donbass. Nhiều đơn vị tinh nhuệ của Nga cũng được bố trí ở mặt trận phía nam, đề phòng nguy cơ Ukraine tấn công vào bán đảo Crimea.
Trong khi đó, các cuộc tập kích qua biên giới gần đây được phát động từ vùng Kharkov ở miền bắc Ukraine, cách tiền tuyến khoảng 160 km. Dù các đợt xâm nhập đó không gây thiệt hại lớn cho Nga, chúng tạo ra rối loạn đáng kể trong cuộc sống của người dân, buộc Moskva phải nhanh chóng triển khai lực lượng đối phó.
“Họ sẽ phải đáp trả và đưa thêm quân tới đó, bố trí nhiều đơn vị củng cố khu vực biên giới, dù có thể đây không phải hướng tấn công của Ukraine”, Melvin nói.
Quân đội Nga phải mất hai ngày để triển khai lực lượng và đẩy lùi nhóm vũ trang tấn công vùng Belgorod từ ngày 22/5. Họ tuyên bố tiêu diệt hơn 70 “phần tử khủng bố” và cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tập kích.
Kiev bác bỏ, nói rằng vụ tấn công do công dân Nga thực hiện, coi đó là vấn đề nội bộ của Nga. Hai nhóm vũ trang hoạt động tại Ukraine gồm Binh đoàn Tình nguyện Nga (RVC) và Quân đoàn Tự do Nga (FRL) đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Đây là hai nhóm dân quân quy tụ các tay súng người Nga từng tham gia quân đoàn quốc tế của Ukraine.
Sau khi rút về biên giới Ukraine, đại diện hai nhóm này đã tổ chức họp báo trong một khu rừng ở miền bắc, tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động xâm nhập qua biên giới Nga trong thời gian tới và cho rằng lực lượng an ninh Nga đã phản ứng “chậm chạp, yếu kém” với vụ tấn công.
Marl Galeotti, người đứng đầu công ty tư vấn Tình báo Mayak ở London, cho rằng cuộc tập kích của hai nhóm vũ trang có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các chiến dịch của lực lượng chính quy Nga – Ukraine ở tiền tuyến. Dù vậy, chúng vẫn đóng vai trò như hoạt động “định hình chiến trường” của Ukraine trước thềm chiến dịch phản công.
“Đây là nỗ lực bắn một mũi tên trúng hai đích. Nó khiến Moskva cảm thấy bất an, lo lắng về nguy cơ an ninh trong nước, đồng thời buộc quân đội Nga phải phân tán lực lượng vốn đã chịu nhiều tổn thất của họ sau hơn 15 tháng giao tranh”, ông nói.
Sergey Radchenko, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, cho biết các cuộc tập kích vùng biên giới cũng cho thấy an ninh Nga đã suy giảm sau hơn một năm chiến sự ở Ukraine.
“Đây là lý do tình báo Ukraine quan tâm tới các hoạt động tấn công qua biên giới của các nhóm dân quân, vốn không mang lại ý nghĩa chiến lược nào. Thông điệp họ gửi đi từ những cuộc tập kích như vậy là nhằm phơi bày lỗ hổng trong mạng lưới an ninh của Nga”, ông nói. Những lỗ hổng như vậy sẽ buộc Nga phải tốn nhiều nguồn lực để vá lại, ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ trên chiến trường Ukraine.
Igor Girkin, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) từng tham gia dân quân miền đông Ukraine, ngày 24/5 viết trên Telegram rằng các cuộc tập kích sẽ dẫn đến “việc hình thành một mặt trận mới dọc biên giới”, buộc quân đội Nga phải phân bổ lại lực lượng để củng cố thế trận.
Điều này sẽ mang lại lợi thế quan trọng cho quân đội Ukraine, khi họ lên kế hoạch cho chiến dịch phản công lớn, theo Girkin.
“Các cuộc tập kích cho thấy biên giới Nga cực kỳ dễ bị tổn thương. Lực lượng Ukraine không chỉ tiến hành những cuộc tấn công tầm xa nhắm vào cơ sở hạ tầng ở Crimea hay Lugansk, mà còn phối hợp hoạt động với lực lượng dân quân tiến hành hoạt động quấy phá”, Samuel Ramani, chuyên gia về hoạt động quân sự Nga tại Đại học Oxford, nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng vụ tập kích có thể phần nào mang lại lợi ích cho giới lãnh đạo Nga trong cuộc chiến thông tin, đặc biệt khi nhóm vũ trang thân Ukraine sử dụng thiết giáp Mỹ để tấn công mục tiêu ở Belgorod.
“Quân đội Nga đã ca ngợi nỗ lực ngăn chặn thành công một chiến dịch phá hoại, khủng bố được Ukraine và phương Tây hậu thuẫn. Điều đó để khơi dậy nỗi lo trong công chúng Nga về mối đe dọa từ phương Tây, giúp củng cố sự ủng hộ và đoàn kết cho chiến dịch tại Ukraine”, chuyên gia Ramani nói.
Thanh Tâm (Theo Reuters, NBC News)