Vụ khủng bố đẫm máu ở Moscow hôm 22/3 có thể tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Nga, tạo ra bước ngoặt của xung đột Nga-Ukraine.
Vụ tấn công khủng bố ở Moscow xảy ra giữa lúc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra ở thế giằng co. Ảnh minh họa: Lính pháo binh Ukraine nạp đạn bên trong pháo tự hành 2S1 Gvozdika tại khu vực Donetsk. (Nguồn: AFP) |
Đến nay, người dân Nga vẫn còn bàng hoàng sau vụ khủng bố hôm 22/3 khiến 144 người thiệt mạng và hơn 360 người bị thương. Điều đáng quan tâm là vụ khủng bố xảy ra giữa lúc cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra gay gắt, dai dẳng và có nguy cơ kéo dài khi đôi bên chưa thể phân định thắng bại.
Khả năng leo thang xung đột
Nhà địa lý học người Pháp Jean Radvanyi, chuyên gia về Nga và vùng Kavkaz, cảnh báo rằng sự kiện nghiêm trọng gây chấn động nước Nga này có nguy cơ trở thành bước ngoặt thực sự cho cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine, thậm chí xa hơn nữa là với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Vụ việc diễn ra đúng vào lúc các lực lượng Ukraine tăng cường oanh kích nhiều cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng, nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Điều này cũng dẫn đến các cuộc trả đũa dữ dội từ phía Nga. Trước vụ khủng bố một ngày, Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố sẽ cho thành lập thêm 2 đội quân mới và 30 đơn vị mới (bao gồm 14 sư đoàn và 16 lữ đoàn) trong năm nay.
Mặc dù, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận trách nhiệm, các nghi phạm khủng bố đã bị bắt và vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, xét xử, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều quan chức nước này trong các phát biểu đều không loại trừ hoài nghi về vai trò của Ukraine trong vụ việc.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 24/3, ông Putin cho biết 11 người liên quan đến vụ khủng bố đã bị bắt giữ, trong đó có 4 nghi phạm chính. Theo Tổng thống Nga, những tên khủng bố bị bắt khi cố gắng lẩn trốn và di chuyển về phía Ukraine, nơi “một cánh cửa đã được chuẩn bị sẵn để vượt qua biên giới”.
Ngày 28/3, Ủy ban Điều tra Nga cho biết đã phát hiện bằng chứng cho thấy các tay súng thực hiện vụ thảm sát ở nhà hát Crocus City Hall có liên quan đến “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine”. Báo cáo của Ủy ban Điều tra Nga nếu rõ các nghi phạm đã nhận tiền từ Ukraine dưới dạng tiền ảo. Số tiền này sau đó được dùng để chuẩn bị cho vụ tấn công.
Ông Li Wei, chuyên gia của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, nhận định vụ tấn công khủng bố tại phòng hòa nhạc không hoàn toàn phù hợp với mô hình tấn công trước đây của IS. Vị chuyên gia này lập luận: “Được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các thành viên IS thường thực hiện các vụ tấn công theo kiểu ‘sói đơn độc’ hoặc ‘tấn công liều chết”.
Đồng thời ông Li Wei lưu ý rằng, nếu IS thay đổi các đặc điểm cốt lõi của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo thì nó sẽ không còn là IS nữa.
Cũng theo ông Li Wei, chính phủ Ukraine khó có thể tham gia vào hoạt động khủng bố, nhưng nếu bất kỳ lực lượng cực đoan nào ở Ukraine bị phát hiện có liên quan, điều đó sẽ khiến Ukraine rơi vào tình thế bất lợi.
Trong khi đó, ông Wang Xiaoquan, nhà nghiên cứu tại Viện Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chỉ ra rằng Mỹ và phương Tây hy vọng thủ phạm đứng sau vụ việc là một tổ chức khủng bố vì nếu Ukraine có liên quan, họ sẽ mất tính hợp pháp trong việc hỗ trợ Kiev.
Một số nhà phân tích lưu ý rằng không thể loại trừ khả năng những kẻ cực đoan ở Ukraine tham gia cuộc tấn công, do tâm lý bi quan về tình hình xung đột và sự hỗ trợ từ phương Tây ngày càng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đổ lỗi cho vụ tấn công và kết luận cuối cùng sẽ được xác định bởi cuộc điều tra đang diễn ra.
Giới phân tích nhận định rằng, vụ việc có thể tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Nga, tạo ra bước ngoặt của xung đột Nga-Ukraine, thúc đẩy một giai đoạn leo thang mới, tùy thuộc vào kết quả điều tra của Nga.
Cánh cửa đàm phán còn bỏ ngỏ
Hôm 24/3, một địa điểm lưu trữ khí đốt dưới lòng đất ở Ukraine đã bị tấn công trong đợt tấn công tên lửa mới nhất của Nga vào các cơ sở lưới điện. Phía Kiev thông tin, cùng ngày, Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Lviv phía Tây Ukraine bằng tên lửa trong một cuộc không kích lớn.
Trong cuộc phỏng vấn với CBS News ngày 28/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này cần thêm sự giúp đỡ từ các đồng minh để ứng phó với một cuộc tấn công lớn của Nga, có thể xảy ra vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6 tới. Giới chức quân sự Ukraine cảnh báo rằng, Moscow có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn mới, huy động lực lượng 100.000 quân.
Chuyên gia Wang Xiaoquan đánh giá những cuộc tấn công mới nhất này cho thấy tình hình trên chiến trường đang thay đổi. Sự leo thang xung đột Nga-Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh ở các khu vực khác. Theo đó, những kẻ khủng bố có thể coi xung đột địa chính trị là cơ hội để phát động các cuộc tấn công, đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia phải nâng cao cảnh giác.
Trong bài phát biểu trước các phi công của Lực lượng Không quân Nga ngày 27/3, ông Putin đã bác bỏ tuyên bố của một số nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga đang lên kế hoạch xâm chiếm các nước NATO.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo các nước không nên tiếp tay cho các máy bay chiến đấu dành cho Ukraine. Ông Putin nhấn mạnh rằng, nếu các máy bay chiến đấu F-16 do các đồng minh phương Tây cung cấp cho Ukraine hoạt động từ sân bay ở các quốc gia khác, thì các căn cứ đó sẽ là “mục tiêu hợp pháp” để Nga tấn công.
Sau tất cả những phát biểu cứng rắn, Nga vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán chấm dứt xung đột. Trên nhật báo Izvestia ngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định nếu lợi ích của Moscow được tôn trọng, họ sẵn sàng bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên tham gia khác trong quá trình đàm phán về vấn đề Ukraine.
Liên quan đến đề xuất giải quyết của Trung Quốc về vấn đề Ukraine, ông Lavrov nhấn mạnh đến sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây được áp đặt từ lâu trước khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo Ngoại trưởng Nga, đây là điều quan trọng và sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán nhằm bảo đảm an ninh cho tất cả các bên tham gia vào quá trình này.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng các cuộc đàm phán không thể dựa trên công thức hòa bình do Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất và được phương Tây và Mỹ thúc đẩy, mà phải dựa trên cơ sở phân tích nghiêm túc các vấn đề an ninh hiện nay và đảm bảo lợi ích an ninh hợp pháp của Nga. Đồng thời, nhà ngoại giao Nga cũng xác nhận sẽ có cuộc gặp với đại sứ một số nước để thảo luận về tình hình Ukraine vào đầu tháng 4.
Có thể thấy, vụ khủng bố ở Moscow hôm 22/3 ít nhiều đã tác động tới xung đột Nga-Ukraine và có khả năng sẽ còn nhiều ảnh hưởng khi kết quả điều tra được công bố chính thức. Hy vọng rằng, các chiến lược gia sẽ nhìn nhận được những hậu quả khôn lường khi bất ổn và xung đột leo thang, đồng thời đánh giá được tầm quan trọng của việc chung tay đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố để đưa ra những quyết định đúng đắn.
(theo Reuters, Kyivindependent, NY Times, Global Times)