Tàu tên lửa hai tầng được phóng lên từ bãi phóng Starbase của công ty do tỷ phú Elon Musk sở hữu gần Boca Chica ở Texas, giúp đẩy tàu vũ trụ Starship lên độ cao 148 km trong một nhiệm vụ thử nghiệm theo kế hoạch sẽ kéo dài 90 phút để lên vũ trụ và trở về.
Tuy nhiên, video trực tiếp từ vụ phóng cho thấy tên lửa Super Heavy dù đã đạt được thao tác quan trọng là tách khỏi tàu Starship khi đạt độ cao nhất định, song đã phát nổ trên Vịnh Mexico ngay sau khi tách ra.
Starship tiếp tục bay vào không gian sau đó, nhưng vài phút sau, đài truyền hình của SpaceX cho biết bộ phận điều khiển nhiệm vụ của SpaceX đột nhiên mất liên lạc với phương tiện.
John Insprucker, kỹ sư của SpaceX và người dẫn chương trình trực tiếp cho biết: “Chúng tôi đã mất dữ liệu từ giai đoạn thứ hai… chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đã hỏng giai đoạn thứ hai”. Anh nói thêm, các kỹ sư tin rằng lệnh chấm dứt chuyến bay tự động đã được kích hoạt để phá hủy tên lửa, mặc dù lý do không rõ ràng.
Khoảng 8 phút sau nhiệm vụ thử nghiệm, chế độ xem camera theo dõi Starship cho thấy một vụ nổ. Độ cao của tàu vũ trụ lúc dó là 148 km.
Đây là nỗ lực phóng thử nghiệm thứ hai của tàu Starship được gắn trên tên lửa đẩy Super Heavy lớn nhất thế giới của nó, sau nỗ lực hồi tháng 4 cũng kết thúc bằng một vụ nổ chỉ khoảng 4 phút sau khi cất cánh.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ, cơ quan giám sát các địa điểm phóng thương mại, cho biết họ sẽ giám sát một cuộc điều tra do SpaceX dẫn đầu về các sự cố thử nghiệm và sẽ cần phê duyệt kế hoạch của SpaceX để ngăn điều đó xảy ra lần nữa.
Mục tiêu của vụ phóng thử nghiệm này là đưa Starship lên khỏi mặt đất ở Texas và bay vào không gian ngay gần quỹ đạo, sau đó lao qua bầu khí quyển Trái đất để lao xuống bờ biển Hawaii. Vụ phóng đã được lên kế hoạch vào thứ Sáu nhưng đã bị lùi lại một ngày vì lỗi phần cứng.
Một cuộc thử nghiệm thành công hoàn toàn sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong tham vọng của SpaceX là sản xuất một tàu vũ trụ siêu lớn, đa mục đích, có khả năng đưa người và hàng hóa lên Mặt trăng cho NASA vào cuối thập kỷ này và cuối cùng là tới Sao Hỏa.
Hoàng Anh (theo NASA, SpaceX, Reuters)