Cụ thể, hai bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Cao su Đồng Nai ghi nhận tổng cộng 529 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mỉ. Trong đó, đang điều trị 375 ca, chuyển viện 11 ca, xuất viện 38 ca và cấp toa về nhà điều trị 105 ca.
Ngoài ra, Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa cũng điều trị cho 12 ca.
Riêng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục điều trị 12 ca bệnh được chuyển viện từ tuyến dưới (9 ca) và tự nhập viện (3 ca).
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong số 12 bệnh nhi có 2 ca tiên lượng rất nặng, đang điều trị tích cực; 2 ca tiên lượng nặng, các ca còn lại đang theo dõi sát. Hiện bệnh viện tiếp tục hội chẩn phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM điều trị cho các bệnh nhi.
Sau khi nhận được thông tin về vụ ngộ độc tập thể tại tỉnh Đồng Nai, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cùng đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc trực tiếp tại địa phương chỉ đạo cứu chữa, phối hợp tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Ngày 4-5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) gửi văn bản đề nghị Sở Y tế Đồng Nai phối hợp tập trung cấp cứu, điều trị cho người bệnh nghi ngộ độc sau ăn bánh mì tại tỉnh này.
Cục đề nghị Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, đặc biệt là các ca đang điều trị hồi sức tích cực. Bên cạnh đó, quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.
Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực phía Nam như Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP.HCM, Thống Nhất và các bệnh viện nhi đồng tuyến trên trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth nếu cần thiết.
Tiệm bánh mì bán hơn 1.000 ổ mỗi ngày
Theo cơ quan chức năng, tiệm bánh mì Băng (tiệm bánh mì nghi gây ngộ độc) trên đường Trần Quang Diệu (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) do bà N.T.K.B. làm chủ có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (hai buổi sáng chiều).
Tiệm bán bánh mì thịt gồm: thịt (tự chế biến); ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua); chả lụa, pa tê, nước xốt (tự làm); da bao (mua bên ngoài)… Nguyên liệu được sơ chế và chế biến tại tiệm.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh.
Ngoài ra, cơ sở cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vu-ngo-doc-sau-an-banh-mi-o-dong-nai-2-tre-tien-luong-rat-nang-da-tang-len-529-ca-20240504100633017.htm