Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc, tích cực cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum. (Ảnh: TTXVN phát)
Liên quan đến các ca bệnh chẩn đoán ngộ độc Botulinum sau khi ăn chả lụa bán dạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả các mẫu xét nghiệm từ thức ăn thừa của các bệnh nhân và cơ sở sản xuất đều không phát hiện độc tố Botulinum.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sau khi xảy ra các trường hợp được chẩn đoán ngộ độc Botulinum trên địa bàn, đơn vị này đã phối hợp với Phòng Y tế thành phố Thủ Đức tiến hành điều tra nguyên nhân.
Điểm chung của các nạn nhân ngộ độc là cùng ăn chả lụa của một người bán dạo. Các đơn vị đã phối hợp, xác minh được cơ sở sản xuất bánh mỳ, chả lụa mà các nạn nhân ăn và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Tổng cộng đã có 15 mẫu gồm bánh mỳ, chả lụa lấy tại cơ sở sản xuất và từ thức ăn thừa của các bệnh nhân.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đều không phát hiện vi khuẩn C. Botulinum. Như vậy, hiện vẫn chưa thể xác nhận nguồn gây ngộ độc Botulinum cho các trường hợp này là từ đâu.
Về tình hình sức khỏe của các trường hợp chẩn đoán ngộ độc Botulinum, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện mới chỉ một trường hợp có cải thiện tốt. Đó là em N.V.H (sinh năm 2009), nhập viện ngày 15/5, chẩn đoán ngộ độc Botilinum toxin từ thức ăn. Em được truyền tĩnh mạch nửa lọ BAT ngày 15/5. Hiện tại, sức cơ của em đạt 5/5, đi đứng bình thường, hết sụp mi, thở khí trời, ăn uống được, tiêu tiểu bình thường, sẽ được xuất viện trong ngày hôm nay (26/5).
Hai trường hợp khác là N.V.Đ (sinh năm 2010) và N.T.X (sinh năm 2013) vẫn đang trong tình trạng nặng, phải thở máy, sức cơ chưa cải thiện. Cả hai tiếp tục được điều trị nâng đỡ (thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chăm sóc nằm lâu) và không có chỉ định dùng BAT. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng của hai bệnh nhân vẫn đang tiến triển nặng, liệt hoàn toàn và phải thở máy.
6 lọ thuốc giải độc BAT đã được chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh trong tối 24/5. Tuy nhiên, theo các bác sỹ, các trường hợp này không có chỉ định sử dụng thuốc giải. Người đàn ông 45 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong trong đêm 24/5, ba trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được sử dụng BAT trước đó và không có chỉ định tiếp tục sử dụng BAT.
Hai trường hợp (26 tuổi và 18 tuổi, là anh em ruột) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không được chỉ định sử dụng BAT do đã quá “thời gian vàng”.
Nguồn TTXVN/Vietnam+