Tình trạng hỗn loạn trong bộ máy điều hành của OpenAI sau vụ sa thải ông Sam Altman khỏi ghế Tổng giám đốc (CEO), và sau đó phục chức cho ông này vào tuần trước đã đặt ra những câu hỏi lớn về mô hình quản lý của OpenAI.
Mâu thuẫn trong mô hình của OpenAI
Theo Politico, ban lãnh đạo gồm 6 thành viên của OpenAI không phải một hội đồng quản trị điển hình bởi nó quản lý một tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức đó lại điều hành một công ty công nghệ vì lợi nhuận.
Theo trang tự bạch của OpenAI, công ty lập tổ chức phi lợi nhuận vào cuối năm 2015 với mục tiêu xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) an toàn và có lợi cho nhân loại. Năm 2019, công ty con vì lợi nhuận được thành lập nhằm gọi vốn, thuê nhân tài nhưng vẫn làm việc theo chỉ đạo của đơn vị phi lợi nhuận và bị ràng buộc về pháp lý phải theo đuổi sứ mệnh nói trên.
Mô hình như vậy là kết quả của một phong trào đã đạt được chỗ đứng trong những năm gần đây, để làm cho chủ nghĩa tư bản trở nên thân thiện hơn bằng cách xây dựng ý thức xã hội vào cấu trúc pháp lý của chính các doanh nghiệp. Trước đây, nhiều người cho rằng các tập đoàn đã quá tập trung vào lợi nhuận mà đánh mất trách nhiệm đối với cộng đồng, quốc gia và rộng hơn là nhân loại.
Tuy nhiên, những gì diễn ra ở OpenAI vào tuần trước đã cho thấy những bất cập trong cách tiếp cận nói trên. Giải thích điều này, Politico cho rằng một cơ cấu hoàn toàn tập trung vào sứ mệnh phục vụ cộng đồng sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tay những người không có lợi ích tài chính và không đóng góp nhiều vào thành công của doanh nghiệp.
Các chuyên gia gần đây cũng tập trung vào vấn đề này. Giáo sư kinh doanh Scott Galloway của Đại học New York (Mỹ) đã gọi tình hình tại OpenAI tuần qua là “khởi đầu cho sự kết thúc của đầu tư ESG”.
ESG là hình thức đầu tư, trong đó các các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị của một công ty là yếu tố chính để nhà đầu tư cân nhắc.
Cải tổ mô hình này như thế nào?
Giới phân tích pháp lý đang nghiên cứu sâu về các cấu trúc doanh nghiệp thay thế và rút ra một số bài học cụ thể hơn trong quá trình cải tổ.
Ông Christopher Hampson, giáo sư luật tại Đại học Florida (Mỹ), nói rằng những người sáng lập OpenAI đã không làm đủ để giải thích ngay từ đầu về cách giải quyết những xung đột giữa các bộ phận có lợi nhuận và phi lợi nhuận. “Điều chúng ta có thể học được từ sự cố OpenAI là những câu hỏi đó cần được trả lời chính xác nhất có thể khi thành lập công ty”, theo chuyên gia này.
Trong khi đó, giáo sư luật Ann Lipton tại Đại học Tulane (Mỹ) chỉ ra rằng quyết định cấp cổ phần cho nhân viên của nhánh vì lợi nhuận của OpenAI, một chiến thuật phổ biến để thu hút nhân tài công nghệ, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hỗn loạn của công ty. “Đó hóa ra là một sai lầm lớn”, bà phân tích.
Theo bà Lipton, cơ cấu này đã mang lại cho đội ngũ lao động của công ty động lực mạnh mẽ để phản đối quyết định của hội đồng quản trị.
Dưới áp lực của nhân viên, các lãnh đạo liên quan kế hoạch lật đổ ông Altman đang bị buộc phải rời khỏi hội đồng quản trị. Trong khi đó, ông Altman và ông Greg Brockman, người đã từ chức chủ tịch và rời khỏi hội đồng quản trị OpenAI hôm 17.11, sẽ quay trở lại vai trò lãnh đạo công ty.
Các nhà phê bình khác còn lưu ý rằng những rắc rối của OpenAI là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp và thậm chí cả các tổ chức phi lợi nhuận thông thường.
Ông Brian Quinn, giáo sư Trường Luật thuộc Đại học Boston (Mỹ) và là chuyên gia về cấu trúc doanh nghiệp, dự đoán rằng các công ty có ý định ủy quyền cho hội đồng phi lợi nhuận trong tương lai sẽ buộc phải loại bỏ chúng như một điều kiện để thu hút các khoản đầu tư lớn. “Mặc dù điều này có vẻ giống như sự kiểm soát, nhưng về lâu dài, sẽ có đàm phán để có đồng thuận”, ông Quinn nói.