Với vụ kiện này, tờ NYT đã gia nhập hàng ngũ các tổ chức, tác giả và cả nghệ sĩ có ảnh hưởng trên thế giới đang tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý để chống lại các công ty AI mà họ cho rằng đã bòn rút tài sản trí tuệ của mình một cách bất hợp pháp.
Như đã biết, các mô hình AI như ChatGPT của OpenAI đã sử dụng thông tin trên mạng (gồm cả nội dung bản quyền) để trả lời các câu hỏi cho người dùng, qua đó kiếm được lợi nhuận kếch xù.
Theo khiếu nại được đệ trình vào ngày 27 tháng 12, NYT cho biết họ đã nhiều lần với hai công ty trên về một thỏa thuận thương mại cho phép sử dụng nội dung của họ để đổi lấy các khoản chi trả, song đã không dẫn đến một giải pháp nào.
Và trong đơn kiện, tờ NYT đã buộc hai công ty phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại “hàng tỷ đô la”. Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên của OpenAI đã viết rằng công ty “rất ngạc nhiên và thất vọng” về vụ kiện và hy vọng rằng họ vẫn có thể tìm ra cách hợp tác cùng có lợi với Times.
Vụ việc của New York Times còn đi xa hơn những vụ kiện trước đó, trích dẫn một số ví dụ về việc ChatGPT đưa ra các phản hồi gần giống với các bài báo của họ và cung cấp nhiều thông tin không chính xác, đồng thời còn đổ lỗi cho báo chí về những thông tin này.
Có thể nói, NYT và những tờ báo khác có mọi lý do để theo đuổi những túi tiền lớn từ các ông lớn công nghệ, trong bối cảnh báo chí truyền thống đang gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng, thậm chí nhiều tờ báo lớn đối mặt với nguy cơ phá sản.
Những vụ kiện như thế này có thể khiến các công ty như OpenAI thận trọng hơn về những gì họ cho rằng có quyền mặc nhiên lấy từ internet mà không phải trả tiền. Và đối với NYT, đó thậm chí có thể là động lực cho một thỏa thuận tốt với các gã khổng lồ công nghệ trong tương lai.
Mới đây, hãng tin Axel Springer cũng đã đạt thỏa thuận với OpenAI, trong đó nhà sản xuất ChatGPT đồng ý trả hàng chục triệu euro cho tập đoàn truyền thông sở hữu các trang tin lớn như Politico và Business Insider này, qua đó được phép sử dụng các bài viết của họ để xây dựng hệ thống AI.
Trước đây, một đạo luật báo chí ở Úc vào năm 2021 đã buộc Google và Meta phải chia sẻ một phần doanh thu quảng cáo với các nhà xuất bản tin tức. Tuy nhiên, trong bối cảnh AI đang “bòn rút” tin tức báo chí một cách triệt để hơn nhiều các mạng xã hội và nền tảng chia sẻ truyền thống, vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn với báo chí.
Bởi vậy, vụ kiện của New York Times hay thỏa thuận của Axel Springer được đánh giá là một giải pháp trước mắt để báo chí tạm ngăn chặn sự “chiếm đoạt” từ các công ty AI và tìm kiếm thêm nguồn thu, trước khi hướng tới một giải pháp toàn diện và bền vững hơn.
Hoàng Hải (theo NYT, Reuters, FT)