Tây Nguyên thu hút du khách không chỉ sự kiêu sa của mái nhà rông cao vút, sự bí ẩn của ngôi nhà dài như “một sải tay của Nữ Thần Mặt trời”, vị nồng say của men rượu cần, hương thơm quyến rũ của thịt rừng gác bếp, đôi chân trần như mời chào của sơn nữ trong nhịp xoang mà còn bởi sự mê hoặc khó cưỡng lại của vũ điệu cồng chiêng trong “lễ hội mùa xuân”.
Mùa xuân” ở Tây Nguyên không rõ như mùa xuân ở những vùng đất khác mà thể hiện qua dấu hiệu giao thoa giữa mùa mưa và mùa nắng cùng với nhịp điệu lễ hội dân gian. Đó là thời gian gắn với mùa “ning nơng”, “mùa lễ hội”, “mùa ăn năm uống tháng” từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch.
“Lễ hội Xuân Tây Nguyên” gắn chặt với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng có từ bao giờ vẫn luôn là câu hỏi chưa ai lý giải rõ, chỉ biết rằng cồng chiêng đã tồn tại, đồng hành gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Cồng chiêng không chỉ là mạch suối nguồn âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mà còn là tiếng lòng yêu thương, là sức mạnh, là hồn thiêng của cộng đồng các dân tộc từ truyền thống đến hiện đại.
Như một quy trình được sắp đặt từ thủa cha ông, sau mùa thu hoạch lúa rẫy, âm thanh cồng chiêng được ngân lên trong Lễ hội Ăn cơm mới vào tháng 11 dương lịch như một tín hiệu mở màn cho “lễ hội xuân” ở Tây Nguyên. Sau Lễ hội Ăn cơm mới, nhịp điệu mùa xuân lễ hội Tây Nguyên được bắt đầu bằng hàng hoạt các hoạt động nghi lễ – lễ hội liên quan đến cá nhân và cộng đồng, từ phạm vi gia đình đến phạm vi cộng đồng.
Khi hoa dã quỳ chớm nở vào cuối tháng 10 vào rộ vào tháng 11 dương lịch, khi Nữ thần H’Jan ngắt dần những cơn mưa hờn dỗi trên đại ngàn cũng là lúc Nam thần Ê’ắt nhẹ nhàng phả hơi thở lành lạnh của Ngài lên vùng đất huyền thoại đầy nắng gió ở Tây Nguyên.
Dấu hiệu sang xuân ở Tây Nguyên được biết đến bởi sắc màu vàng rực rỡ của nàng dã quỳ nhường lối cho các loài phong lan đa hương khoe sắc, những chú ong rủ nhau đi hút mật, mùa chàng trai cô gái Êđê, M’Nông, Xơ Đăng, Bahnar… kiểm tra độ nồng của hương rượu cần chuẩn bị cho mùa lễ hội. Nếu ở các buôn Plei xa xa vùng người Xơ Đăng, người Bahnar, người H’rê…
… gần chân núi Ngok Linh, du khách có thể hòa mình trong mùa thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn thì ở mảnh đất Trung phần và Nam Tây Nguyên, những cánh tay rắn khỏe của các chàng trai, những đôi chân trần dẻo dai của các cô gái Êđê, Jrai, M’Nông… tiếp nối cuộc hành trình sinh tồn trong mùa thu hoạch cà phê trên các nương rẫy. Du khách có thể chạm đôi tay của mình vào quả cà phê chín mọng rồi nhẹ nhàng ngắt rời chúng ra khỏi thân mẹ.
Sự thú vị không chỉ được nhân lên khi trải nghiệm thu hoạch cà phê mà còn được chứng kiến cảm xúc buồn vui của bà con nông dân trước thành quả lao động trong một năm vất vả. Sau mùa vụ, dù được mùa hay thất thu, những người con chân chất, mộc mạc, giản dị, thân thiện ấy vẫn tiếp tục cuộc hành trình trao truyền phong tục tập quán của cha ông qua các hoạt động lễ hội truyền thống. Đấy cũng là lúc âm thanh cồng chiêng tiếp tục ngân lên trong Lễ hội ăn cơm mới, Lễ hội được mừng mùa, Lễ hội cúng sức khỏe, Lễ hội cúng bến nước, Lễ hội đua voi, hay trong tang lễ và Lễ hội bỏ mả…
Âm thanh cồng chiêng trong lễ hội mùa xuân Tây Nguyên như mạch nước ngầm thấm đẫm vào cuộc sống, lúc dữ dội, khi ào ào như thác đổ khi hờn dỗi, khi sôi động, trẻ trung như chàng trai hát khúc eirei, khi mặn mà, lắng đọng như tình yêu của cô sơn nữ, khi thì thầm, trách móc của người vợ giận chồng, lúc reo vui ồn ào như đứa trẻ lên ba khi đùa nghịch…
Tạp chí Heritage