Vụ lúa Đông Xuân 2025, Hợp tác xã Tiến Thuận ở TP.Cần Thơ làm mô hình thí điểm Đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" nhưng khi thu hoạch, lúa không được doanh nghiệp liên kết (Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật) thu mua, dù trước đó, 2 đơn vị đã ký hợp đồng kinh tế.
Liên quan đến bài "Một doanh nghiệp tại Cần Thơ không mua lúa trong đề án 1 triệu ha của hợp tác xã, vì sao?", theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, trước đó, giữa doanh nghiệp và hợp tác xã đã ký hợp đồng kinh tế mua bán lúa tươi của cả 3 vụ: Hè Thu 2024, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025.
Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật và Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận ở Cần Thơ ký hợp đồng kinh tế tiêu thụ lúa trong mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ảnh: H.X
Theo nội dung ký kết trong hợp đồng kinh tế giữa Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật và Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận, phía công ty sẽ bao tiêu toàn bộ số lượng lúa trong mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) với giá 7.050 đồng/kg.
Về phía hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận phải sử dụng giống OM5451, canh tác theo quy trình đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, không sử dụng hóa chất độc hại, lạm dụng hóa chất trong canh tác. Lúa tươi mới thu hoạch có hạt chắc, độ thuần cao, lúa lẫn thấp, hạt xanh non ít, không có hạt cỏ, ít tạp chất...
Nếu hạt xanh non tỷ lệ 7:3, hạt hư trên 3%, tạp chất trên 5% trọng lượng, lẫn nếp trên 2% doanh nghiệp sẽ không thu mua.
Khi bắt đầu thu hoạch, hai bên sẽ tiến hành lấy mẫu lúa đại diện để kiểm nghiệm. Nếu lúa đạt tiêu chuẩn được quy định trong phụ lục hợp đồng và có chứng nhận giảm phát thải theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giá thu mua đã chốt sẽ được cộng thêm 300 đồng/kg.
Hợp đồng kinh tế cũng nêu rõ, nếu giá cả biến động bất thường, ảnh hưởng đến việc thu mua, hai bên sẽ bàn bạc, thống nhất lại giá và số lượng giao hàng cụ thể.
Như vậy, hợp đồng kinh tế đã có quy định rõ về trách nhiệm của 2 bên. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên về vấn đề này, 2 đơn vị gần như không quan tâm đến hợp đồng trước đó.
Cụ thể, ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận cho biết, hợp đồng chỉ mang tính chất theo thời vụ, không mang tính chất ràng buộc.
Đây cũng là lý do khi có sản phẩm (lúa chín), hợp tác xã đã bán cho thương lái bên ngoài khi không liên hệ được cho đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế. Và sau khi lúa Đông Xuân 2024-2025 bán hết cho thương lái bên ngoài, hợp tác xã cũng không nói gì về hợp đồng với phía công ty.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật cũng cho biết, sự phối hợp giữa 2 bên "chưa ổn, chưa mang tính ràng buộc". Trong trường hợp nếu tiếp tục hợp tác liên kết, 2 bên cần ngồi lại bàn cho chặt chẽ hơn, đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên.
Như Dân Việt đã thông tin, vụ lúa Đông Xuân 2025 vừa qua, Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) tiếp tục làm mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Tuy nhiên, khi thu hoạch lúa, thay vì bán cho công ty liên kết thực hiện đề án, hợp tác xã Tiến Thuận phải bán cho thương lái bên ngoài.
"Thời điểm thu hoạch lúa, tôi đã gọi điện với cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, để thống nhất thời gian và phương án thu mua nhưng không nhận được phản hồi. Lo sợ lúa chín quá ngày nên phải bán lúa cho thương lái bên ngoài" - Ông Khải cho biết.
Theo ông Khải, vụ lúa Đông Xuân 2025, hợp tác xã làm 50ha lúa OM 5451 theo đề án, theo đó, năng suất đạt từ 8,6-9 tấn/ha và giá lúa bán ra là 5.700 đồng/kg (tương đương với giá thị trường bên ngoài).
Trả lời về lý do vì sao không mua lúa của hợp tác xã, ông Nhựt cho biết, nguyên nhân không mua lúa cho hợp tác xã Tiến Thuận trong vụ Đông Xuân là do áp lực thu mua quá lớn nên sắp xếp thu mua bị động.
Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân khác, trong đó có việc phối hợp, hỗ trợ qua lại giữa doanh nghiệp và hợp tác xã chưa chặt chẽ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong vụ lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2024, cũng do nhiều nguyên nhân đến từ 2 phía, lúa làm theo mô hình thí điểm đề án của hợp tác xã Tiến Thuận vẫn không do Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật thu mua hoàn toàn.
Hợp tác xã Tiến Thuận là đơn vị đầu tiên tại TP.Cần Thơ thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật được Sở NNPTNT TP.Cần Thơ (nay là Sở NN&MT TP.Cần Thơ) lựa chọn liên kết trong đề án với vai trò thu mua lúa.
Đây cũng là điểm thường xuyên được chọn để tổ chức hội thảo, giới thiệu mô hình cho ngành nông nghiệp trong và ngoài nước tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Trong vụ Hè Thu 2025, Hợp tác xã Tiến Thuận vẫn làm theo quy trình sản xuất của đề án 1 triệu ha lúa. Tuy nhiên, chỉ sản xuất lúa giống, chứ không làm lúa thương phẩm bán cho doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu gạo.
Nguồn: https://danviet.vn/vu-khong-mua-lua-trong-de-an-1-trieu-ha-o-can-tho-do-hop-dong-kinh-te-khong-co-gia-tri-20250328092624282.htm
Bình luận (0)