Belarus hôm 7/5 đã tiến hành các cuộc tập trận liên quan đến tên lửa và máy bay chiến đấu có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) mà Nga đã triển khai ở nước này trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về Ukraine.
Cuộc diễn tập của Belarus bắt đầu một ngày sau khi Quân đội Nga công bố kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận tương tự mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường nhằm đáp trả những tuyên bố của các quan chức phương Tây về khả năng triển khai quân ở Ukraine.
Đây là lần đầu tiên một cuộc tập trận như vậy được Moscow công bố công khai, hãng tin AP cho biết.
Cuộc tập trận mang tính phòng thủ của Belarus
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ra lệnh kiểm tra bất ngờ các lực lượng phụ trách các loại vũ khí như vậy.
Trong quá trình kiểm tra, “toàn bộ phạm vi hoạt động từ lập kế hoạch, chuẩn bị và sử dụng các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được kiểm tra”, ông Khrenin nói. Ông cho biết thêm rằng một đơn vị tên lửa tầm ngắn Iskander và một phi đội máy bay chiến đấu Su-25 sẽ tham gia cuộc tập trận.
Cuộc tập trận của Belarus được tổ chức chung với Nga, bắt đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 hôm 7/5. Cùng ngày, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mô tả cuộc tập trận là “hoàn toàn mang tính phòng thủ”, lập luận rằng vũ khí hạt nhân của Nga nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động tiềm tàng nào chống lại Belarus.
Ông Lukashenko nói: “Đây là vũ khí răn đe, vũ khí phòng thủ”. Nhà lãnh đạo Belarus cho biết, cuộc tập trận sẽ bao gồm việc vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật từ kho lưu trữ đến các đơn vị quân đội, nơi chúng sẽ được gắn trên tên lửa và gắn trên máy bay chiến đấu.
Các đơn vị tên lửa sẽ thực hành triển khai bí mật tới các vị trí khai hỏa để mô phỏng phản ứng trước một cuộc tấn công vào Belarus, ông Lukashenko cho biết.
Năm ngoái, Nga đã chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình sang Belarus, quốc gia cũng giáp Ukraine và các quốc gia thành viên NATO là Ba Lan, Latvia và Litva. Moscow nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai tới Belarus vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Nga.
Quy mô kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga
Vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, trái ngược với đầu đạn chiến lược được thiết kế để quét sạch toàn bộ các thành phố của kẻ địch. TNW được Mỹ phát triển lần đầu tiên vào những năm 1950. Liên Xô khi đó cũng đã tạo ra dòng TNW của riêng mình, nhiều trong số chúng được tiêu chuẩn hóa bằng hệ thống vũ khí thông thường.
Quy mô kho dự trữ TNW của Nga được giữ bí mật, nhưng Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính tổng số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow vào khoảng 1.000-2.000 (giảm từ 22.000 vào năm 1991). Những vũ khí này không phải chịu các hạn chế của hiệp ước ảnh hưởng đến kho vũ khí hạt nhân chiến lược.
Theo hãng tin Sputnik, Nga có nhiều phương tiện để triển khai TNW, bao gồm: Hệ thống tên lửa Iskander-M đặt trên mặt đất; Tên lửa hành trình Kalibr và Kh-59 phóng từ tàu và trên không; Tên lửa và bom rơi tự do phóng từ các máy bay chiến đấu như Su-34, Tu-142, Tu-22M3, Su-24, Su-25, MiG-31K và Su-57; Tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Yasen về mặt lý thuyết có thể mang TNW.
Các TNW nhỏ hơn có thể được bắn bằng pháo 152 mm tiêu chuẩn của Nga, như Msta-S/B, Akatsiya và Giatsint-S. Các loại đạn pháo hạt nhân được phát triển đặc biệt cho pháo Pion/Malka 203 mm và hệ thống súng cối Tyulpan 240 mm đã được tạo ra.
Với khả năng tương thích với nhiều loại vũ khí và bệ phóng thông thường khác, TNW của Nga về mặt lý thuyết có thể tấn công các mục tiêu ở bất kỳ đâu từ vài km đến hơn 8.500 km. Kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga cũng bao gồm “con át chủ bài”: Tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo 53T6 do Liên Xô thiết kế được sử dụng trong hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo A-135 Amur bảo vệ thủ đô Moscow.
Được trang bị đầu đạn hạt nhân 10 kiloton, 53T6 có nhiệm vụ đánh chặn và tiêu diệt tên lửa chiến lược đang lao tới với tốc độ lên tới Mach 17 (gấp 17 lần tốc độ âm thanh) và từ khoảng cách lên tới 100 km. Tên lửa đánh chặn 53T6 được trang bị TNW cũng có thể được phóng từ các hệ thống phòng không S-300 và S-400.
Minh Đức (Theo AP, Reuters, Sputnik)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vu-khi-hat-nhan-chien-thuat-cua-nga-tro-thanh-chu-de-duoc-quan-tam-a662578.html