SGGPO
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã gửi lời xin lỗi đến bệnh nhân L.T.T (35 tuổi), đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm, yêu cầu các bác sĩ cần phải giải thích chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, tránh dùng các từ ngữ chuyên môn sâu với người nhà và bệnh nhân để tránh những hiểu lầm gây lo lắng, bức xúc cho bệnh nhân và thân nhân.
Ngày 17-7, liên quan tới vụ việc “người bệnh đau ruột thừa nhưng lại cắt bỏ tai vòi trứng” xảy ra mới đây tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương gây xôn xao dư luận, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế Bình Dương cập nhật báo cáo giải trình, kết quả xử lý báo cáo Bộ Y tế trước ngày 21-7. Đồng thời, Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Bình Dương khẩn trương thực hiện chỉ định đầu mối phát ngôn của Sở để cung cấp thông tin chính thức; quan tâm chăm sóc và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh theo các quy định hiện hành.
Đại diện Sở Y tế Bình Dương thăm hỏi bệnh nhân L.T.T. |
Cũng liên quan tới sự việc này, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, bệnh viện đã kiểm điểm rút kinh nghiệm, yêu cầu các bác sĩ cần phải giải thích chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, tránh dùng các từ ngữ chuyên môn sâu với người nhà và bệnh nhân để tránh những hiểu lầm gây lo lắng, bức xúc cho bệnh nhân và thân nhân. Bệnh viện cũng đã gửi lời xin lỗi đến bệnh nhân L.T.T..
Trước đó, vào chiều 11-7, bệnh nhân L.T.T. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đến Khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) với chẩn đoán theo dõi viêm ruột thừa cấp. Sau đó, bệnh nhân được mổ nội soi. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vùng hố chậu, tử cung của bệnh nhân có nhiều mủ đục, ruột thừa có kích thước bình thường, không sung huyết… Ê kíp mổ đã mời bác sĩ Khoa phụ sản tới phòng mổ, đồng thời liên hệ với người nhà bệnh nhân theo số điện thoại được khai trong hồ sơ bệnh án và phát loa thông báo nhưng không liên lạc được với người nhà.
Do không thể gây mê kéo dài, ê kíp mổ đã quyết định xử trí cắt tai vòi bên phải đang sưng to và chứa nhiều mủ nhằm điều trị triệt để tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân L.T.T., đồng thời bảo tồn tai vòi còn lại và buồng trứng 2 bên.