“Nhân phẩm, danh dự như cốc nước, đổ vỡ rồi khó lấy lại”
Loạt bài phản ánh về trường hợp cô giáo T.P.H. – giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM – xin phụ huynh ủng hộ tiền mua máy tính cá nhân sau một ngày đăng tải đã nhận được hơn 1.500 bình luận của bạn đọc trên nền tảng website và facebook của báo Dân trí.
Đa số các ý kiến đều bày tỏ bất bình, bức xúc trước hành động của nữ giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3.
Bạn đọc Châu để lại dòng chia sẻ dài: “Thật đáng tiếc! Là giáo viên mà lại bán chữ tín của bản thân một cách rẻ mạt thế này! Giáo viên, ngoài là một nghề kiếm sống, còn là nghề góp phần chính tạo nên giá trị, đạo đức của một con người, nhất là những năm tháng đầu đời”.
Theo Châu, cô giáo đã đứng trên bục giảng lại chưa nhận thức rõ ràng về vị trí, vai trò của bản thân cũng như nghề nghiệp đã chọn, để đời sống vật chất xô dạt vào góc tối không đáng có như vậy.
Qua đây, bạn đọc cho rằng xã hội cần có cái nhìn rộng hơn, xa hơn phạm vi của một sự việc đơn lẻ để suy tư, xem xét.
Bạn đọc này cũng bày tỏ áp lực của phụ huynh. Là người làm cha, làm mẹ, ai cũng lo lắng cho con. Người nắm giữ niềm tin đó của họ không ai khác chính là giáo viên. Thế nên, ngành giáo dục mới có tính đặc thù cao nhất về đạo đức và nhân văn.
“Có những cái sai có thể vô tình vi phạm, nhưng cái sai lợi dụng, giẫm đạp lên niềm tin của người khác thì tuyệt đối không được phép. Vì khi nó xảy ra rồi, rất khó có cơ hội sửa chữa. Nhân phẩm, danh dự như cốc nước, đổ vỡ rồi, gần như không thể nào lấy lại”, bạn đọc Châu viết.
Đồng quan điểm, tài khoản Tạ Ngọc Thắng nhận định việc cô giáo T.P.H. xin phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng để mua máy tính… đã phải đánh đổi cả danh dự và liêm sỉ. Việc này thực sự không đáng chút nào.
Sâu xa hơn, bạn đọc Thắng cho rằng nó thể hiện căn bệnh trầm kha của xã hội lâu nay là “ngáo quyền lực”. Căn bệnh này đang xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề.
Người bình luận Dương Minh Đức nêu quan điểm so với các ngành nghề khác, lương giáo viên hiện nay đã rất cao. Cô giáo phải tự mua sắm trang thiết bị (hoặc nhà trường trang bị) chứ không được yêu cầu phụ huynh đóng góp thêm một khoản ngoài quy định. Điều này là không thể chấp nhận được. Phụ huynh chỉ hỗ trợ những khoản phục vụ lợi ích thiết thực cho học sinh trong học tập.
Giới thiệu bản thân cũng là giáo viên công tác trong ngành gần 30 năm, Hoan Phạm nói rằng từ viên phấn, cây bút cho đến balo, laptop, tất cả anh đều hoàn toàn tự sắm sửa để đi dạy.
Theo anh, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên, nếu ai cũng đòi hỏi như cô giáo thì phụ huynh phải “gánh còng lưng”. Do đó, bạn đọc đề nghị cần có hình thức kỷ luật chứ không chỉ là xin lỗi, thương lượng với phụ huynh là xong.
“Hãy nhìn các thầy cô ở vùng lũ, vùng sâu vùng xa họ vất vả như thế nào để mang cái chữ cho các con. Ở thành phố, được ưu ái quá rồi sinh ra hư hỏng”, Hoan Phạm bình luận.
Bạn đọc Thép Việt Nam viết: “Những câu chuyện giáo viên thiếu lương tâm và đạo đức thế này đang từng ngày, từng giờ làm xói mòn niềm tin của người học vào giáo dục. Cần cương quyết làm trong sạch môi trường giáo dục”.
Mạnh tay dẹp vấn đề lạm thu, tham nhũng “vặt”
Mở rộng hơn vấn đề, tài khoản Michael nêu ra thực trạng lạm thu ở trường học đang trở thành vấn nạn gây bức xúc.
“Ai cũng biết điều đó, sao không có cuộc điều tra, thanh tra nào? Môi trường giáo dục mà nhà trường, giáo viên tìm mọi cách kiếm tiền từ học sinh vậy sao có thể đào tạo ra những thế hệ con người đạo đức tốt được”, Michael viết.
Nhiều bình luận cho rằng hành vi yêu cầu, đề nghị phụ huynh cung phụng, chu cấp cho bản thân giáo viên là một biểu hiện của tham nhũng “vặt”, lợi dụng ảnh hưởng, chức vụ quyền hạn để làm điều không được phép.
Tài khoản Phạm Trang để lại ý kiến: “Từ bao giờ việc trang bị đồ dùng cá nhân của cô lại phải dành cho các bậc phụ huynh đóng góp”.
Về phương án giải quyết, nhiều người cho rằng cần xử lý thật nghiêm những trường hợp như thế này, thậm chí là cho ra khỏi ngành.
Bạn đọc Thùy Dương viết: “Làm nghề giáo nên lấy cái tâm làm gốc thì mới tạo ra nhân tài cho xã hội. Đề nghị Bộ Giáo dục cho ra khỏi ngành, cảnh cáo hay khiển trách cũng không giải quyết được nỗi lo lắng của phụ huynh”.
Đồng quan điểm, Nguyên Ngọc cho rằng đồng tiền đang làm “mờ mắt” con người. Ở nhiều nơi vẫn còn có những giáo viên lấy con trẻ của người khác ra để “uy hiếp” phụ huynh, đòi lợi ích cho mình. Những kẻ như vậy đã vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng.
Bạn đọc Hồ Hồ chỉ ra thời gian gần đây, ngành giáo dục để xảy ra rất nhiều vụ thu chi sai, lạm thu đầu năm học nhưng hình thức kỷ luật còn “qua loa”, chỉ dừng ở khiển trách nhắc nhở. Vì vậy, cần có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc mới không có chuyện vòi vĩnh của giáo viên, để ngành giáo dục phát triển tốt đẹp.
Yêu cầu xử lý nghiêm vụ cô giáo xin phụ huynh tiền mua máy tính
Liên quan tới vụ việc này, Phó chủ tịch UBND quận 1, TPHCM Mai Thị Hồng Hoa khẳng định, vụ cô giáo xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop chỉ là cá biệt. Quận đã chỉ đạo xử lý nghiêm.
“UBND quận 1 đã chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm vụ việc trên. Ban giám hiệu các trường thuộc địa bàn quận cũng rà soát lại toàn bộ và không được để xảy ra trường hợp tương tự”, Phó chủ tịch quận 1 nhấn mạnh.
Theo bà Mai Thị Hồng Hoa, hình thức xử lý bước đầu đối với vụ việc là tạm dừng đứng lớp đối với giáo viên T.P.H. Nhà trường cũng cử một giáo viên khác, có uy tín để đảm nhận vai trò chủ nhiệm lớp học trên.
Toàn bộ khoản tiền cô giáo đã nhận đóng góp từ phụ huynh để mua máy tính cũng phải hoàn trả lại. Lãnh đạo quận cũng yêu cầu Phòng Giáo dục quận 1 tiếp tục theo dõi, nắm bắt kỹ lưỡng vụ việc.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/vu-co-giao-xin-ung-ho-tien-mua-may-tinh-bieu-hien-ngao-quyen-luc-20240929113833642.htm