Ngày 24/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, địa phương đang xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến việc truy thu chế độ phụ cấp ưu đãi chi trả không đúng cho giáo viên trên địa bàn.
“Tỉnh chưa có trả lời chính thức về vụ việc có truy thu tiền chi trả không đúng quy định cho giáo viên. Trường hợp nếu bắt buộc truy thu nộp ngân sách, tỉnh xác định sẽ không thu hồi một lần mà sẽ giãn thời gian truy thu mỗi năm một ít, để giáo viên không gặp phải khó khăn và giao các địa phương thực hiện dần”, ông Cảnh nói.
Về việc một số địa phương đã ra quyết định thu hồi tiền của giáo viên khi tỉnh chưa chỉ đạo chính thức, ông Cảnh cho rằng, việc thu hồi không có vấn đề gì vì khi phát hiện việc chi trả không đúng quy định, một số huyện đã chủ động thu hồi tránh làm thất thoát ngân sách.
Theo tìm hiểu, huyện Cư M’gar có trên 400 giáo viên sẽ bị truy thu phụ cấp ưu đãi nghề với số tiền dự kiến hàng tỷ đồng.
Một lãnh đạo UBND huyện Cư M’gar cho biết, huyện đã tạm ngưng chi trả phụ cấp ưu đãi nghề giáo đối với các địa bàn trên; riêng đối với các trường hợp giáo viên được chi phụ cấp không đúng từ tháng 1 đến 31/7, huyện tạm thời thu hồi nhưng số tiền sẽ “treo” ở kho bạc nhà nước và xin ý kiến của tỉnh.
“Đối với phụ cấp ưu đãi đã chi từ 6/2021 đến 12/2013, huyện chưa thu hồi mà chờ chỉ đạo của tỉnh. Sau cuộc họp của huyện với giáo viên, huyện đã làm báo cáo lên tỉnh và đề xuất nếu buộc truy thu sẽ giãn thời gian đến 38 tháng, mỗi tháng thu hồi một ít để tạo điều kiện cho giáo viên”, lãnh đạo UBND huyện Cư M’gar chia sẻ.
Tương tự, huyện M’Đrắk đã có công văn về việc thu hồi phụ cấp ưu đãi đã chi trả không đúng đối với trên 200 giáo viên tại xã: Ea Lai, Ea Riêng, Ea M’lây và thị trấn M’Đrắk. Huyện sẽ thu hồi theo lộ trình 4 mốc thời gian, muộn nhất đến tháng 6/2025.
Còn tại huyện Cư Kuin, địa phương đã có văn bản tạm dừng chi trả phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên thuộc xã Ea Hu và Ea Ning kể từ ngày 1/9 đến khi có văn bản chỉ đạo tiếp theo.
Cô T. (xã Ea Kpam, Cư M’gar) cho biết, việc được nhận trợ cấp ưu đãi nghề đã góp phần mang lại mức thu nhập tốt cho giáo viên. Tuy nhiên, khi biết bản thân nằm trong nhóm đối tượng bị truy thu trợ cấp ưu đãi, bản thân cô T. và nhiều giáo viên có phần chạnh lòng.
“Ban đầu tôi cũng rất buồn khi tính toán bản thân sẽ bị thu hồi gần 50 triệu đồng, đối với nhà giáo là số tiền rất lớn. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, tôi biết đây là ngân sách của nhà nước nên tôi đồng ý việc bị thu hồi lại, nhưng việc truy thu phải từng tháng để chúng tôi còn có tiền lo cho cuộc sống”, cô T. bày tỏ.
Ông Lê Ngọc Vinh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giảm 54 xã so với năm 2017).
Cũng theo ông Vinh, sau khi các quyết định có hiệu lực pháp luật, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản triển khai về tận cơ sở.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk băn khoăn không hiểu vì sao một số địa phương lại không biết xã đó không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dẫn tới chi trả chế độ chính sách cho giáo viên chưa đúng quy định và phải thu hồi.
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện thị xã Buôn Hồ chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên đang giảng dạy tại một số trường không đúng quy định.
Do giai đoạn từ tháng 5/2021 trở về trước, Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi và từ 4/6/2021, tỉnh Đắk Lắk còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk nhận định ngoài thị xã Buôn Hồ còn nhiều địa phương khác trên địa bàn chi trả phụ cấp ưu đãi không đúng quy định.
Thanh tra có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương truy thu số tiền chi trả sai để nộp ngân sách.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/vu-ca-ngan-giao-vien-bi-truy-thu-phu-cap-xin-y-kien-tinh-uy-20240924160244802.htm