Ngày 18-7, phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần tranh tụng. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục để các luật sư và bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” bào chữa, tự gỡ tội cho mình.
Trong bản luận tội, đại diện VKSND cáo buộc Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, với 253 lần, tổng số hơn 42 tỉ đồng bằng “thủ đoạn trắng trợn”, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Do đó, VKSND đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Kiên.
Tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận hành vi nêu trong cáo trạng là đúng. “Bị cáo rất ăn năn hối lỗi về sai phạm của mình. Qua đây, bị cáo gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân về hành động sai trái của mình” – Kiên nói.
Theo bị cáo Kiên, Tổ công tác 5 bộ có lập nhóm chat Viber để trao đổi thông tin với nhau. Ví dụ, khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi các bộ về cấp phép chuyến bay, bị cáo Tô Anh Dũng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, hay cấp dưới là bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, sẽ báo lên lên nhóm chat, xin ý kiến về các chuyến bay rồi đề nghị sớm gửi lại ý kiến cho Bộ Ngoại giao. Gần ngày phải trả lời, bị cáo Tô Anh Dũng hoặc Đỗ Hoàng Tùng sẽ nhắc lại trên nhóm, đề nghị các bộ nào có văn bản thì khẩn trương trả lời. “Căn cứ nội dung đó, thể hiện một phần chuyến bay combo là bị cáo không thể làm chậm tiến độ công việc về cấp phép chuyến bay, gây ảnh hưởng kinh doanh của doanh nghiệp” – Kiên trình bày.
Bị cáo Tô Anh Dũng tự bào chữa tại phiên tòa ngày 18-7Ảnh: Nam Anh
Ngoài ra, bị cáo Kiên cũng khẳng định không ép buộc doanh nghiệp đưa tiền cho mình; đồng thời đưa ra dẫn chứng về việc bị cáo Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Quốc tế Sao Việt) và Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế) từng chuyển 100 – 200 triệu đồng nhưng là thời điểm sau khi Bộ Y tế cấp phép các chuyến bay. “Điều đó thể hiện các anh chị ấy đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu chứ không có sự ép buộc nào” – bị cáo Kiên biện hộ. Sau đó, bị cáo Kiên bật khóc, mong HĐXX, VKSND xem xét lại tội danh của bị cáo, cho hưởng mức án tù để có cơ hội được làm lại…
Tự bào chữa về hành vi nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng, bị cáo Tô Anh Dũng (bị VKSND đề nghị 12-13 năm tù) cho hay trong quá trình chống dịch COVID-19, bị cáo và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã cố gắng ngăn chặn dịch bệnh, giảm thiệt hại tính mạng người dân trong nước, cũng như bảo hộ công dân nước ngoài.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao còn nói trong việc xét duyệt các chuyến bay, bị cáo luôn nhắc nhở các cán bộ của Cục Lãnh sự phải bảo đảm công văn trình đến cục là công khai, không khuất tất, làm việc tận tụy, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bị cáo Dũng phân trần thêm: “Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi suy nghĩ đơn giản, không phân biệt được hành vi dân sự với hình sự. Đến khi được cơ quan điều tra cho đọc 2 quyển luật, tôi nhận ra hành vi của mình. Ngay sau đó, tôi xin được viết đơn gửi cơ quan điều tra, tự nguyện khai báo”.
Xúc động trình bày, bị cáo Tô Anh Dũng cho biết trong suốt 1 năm ở trại tạm giam, bị cáo rất ăn năn hối lỗi, chủ động nhắc gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét thêm cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của bị cáo tại Bộ Ngoại giao, vì đã có những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch. Riêng với bản thân, bị cáo mong tòa đánh giá bản thân phạm tội lần đầu, xin được có một cơ hội để trở về với gia đình trong những năm cuối cuộc đời. “Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và nhân dân” – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ hối hận.
Được tự bào chữa, bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đều tỏ ra ăn năn hối lỗi, mong HĐXX xem xét để các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Trong bản luận tội, VKSND đã đề nghị bị cáo Trần Văn Tân 8-9 năm tù vì đã nhận hối lộ 5 tỉ đồng; bị cáo Chử Xuân Dũng 4-5 năm tù vì đã nhận hối lộ 2 tỉ đồng.
Nguồn NLDO