Ngày 27-4, clip nội dung “Bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng cho du khách người nước ngoài” lan truyền trên mạng xã hội.
Sự việc thu hút sự chú ý của nhiều người dùng mạng xã hội; trong đó có một bộ phận không nhỏ chửi bới và đòi xử lý nghiêm người bán trái cây được cho là hét giá kia.
Ngày 1-5, Công an quận Hoàn Kiếm thông báo, thông tin 500.000 đồng 3 quả dứa là sai sự thật.
Người Việt luôn sai, người nước ngoài luôn đúng?
Ngay cả khi có phản hồi từ phía cơ quan chức năng, nhiều người Việt vẫn tiếp tục chửi bới và lên án người bán trái cây, đòi đối chất vị du khách kia cho ra lẽ.
Bên cạnh những ý kiến trên, cũng có không ít người bình tĩnh hơn khi cho rằng “không biết cô trái cây đúng hay sai nhưng xem clip, hành vi hất tung sạp hàng của du khách người nước ngoài cũng không đúng”.
Bình luận dưới bài báo Thông tin bán 500.000 đồng 3 quả dứa cho du khách nước ngoài là sai sự thật đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 1-5, bạn đọc Hồng An viết: “Nhiều khi có bất đồng ngôn ngữ, hai bà khách Tây cũng hung hăng lắm”.
“Đó là hành xử thiếu văn minh”, “ngông cuồng”, “không đồng ý mua thì đòi lại tiền hoặc nhờ người khác trợ giúp, có cần quơ cả đống dứa và hất đổ đồ của bà bán hàng không”… là các bình luận của người dùng trên mạng .
Trước phản ứng “lên đồng” chửi bới của một số người, có người cho rằng: “Tây luôn luôn đúng, ta luôn luôn sai”, “chúng ta tự coi thường đồng bào của mình”…
Hiện vụ việc tiếp tục được bàn luận trên mạng xã hội.
“Người Việt hay hạ thấp người Việt”
Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, có một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn luôn cho rằng người Việt lúc nào cũng xấu xí, người Việt luôn sai, người nước ngoài luôn đúng.
“Khi xảy ra một sự vụ nào đó gây tranh cãi, không riêng vụ 500.000 đồng/3 quả dứa, chúng ta hay mặc định người Việt sai hoặc thường có cái nhìn hạ thấp chính người Việt”, ông nói với Tuổi Trẻ Online.
Ông Lê Quốc Vinh cho đó là một định kiến, thậm chí là thiên kiến, từ đó tạo ra những phán xét cảm tính.
Như trong vụ việc trên, có không ít người chưa tìm hiểu kỹ sự việc đã vội tuyên tội, chửi bới cô bán hàng rong người Việt, đòi công bằng cho khách du lịch nước ngoài.
Ở đây ông Vinh không bàn hành vi của du khách, chỉ nói ở góc độ người Việt.
Ông cho rằng “nói đi vẫn phải nói lại, định kiến đó không phải tự nhiên mà có, nguyên do sâu xa bắt nguồn từ chính người Việt chúng ta”.
Cụ thể trước đây, chuyện những người bán hàng có hành vi xấu xí, trục lợi, nâng giá khống hoặc chèn ép khách du lịch không phải không có.
Điều đó vô hình trung tạo ra một hình ảnh không đẹp, thiếu văn minh, dẫn đến việc mất niềm tin cho không chỉ du khách nước ngoài mà cả chính người Việt với nhau.
“Rõ ràng, chúng ta cần thời gian để thay đổi định kiến này. Muốn thế, mọi người dân phải biết tôn trọng pháp luật và có những hành xử đàng hoàng, minh bạch và có trách nhiệm với xã hội, không riêng gì những người bán hàng rong”, chuyên gia Lê Quốc Vinh nói.
Về những “cơn lên đồng” chửi bới người bán trái cây, theo chuyên gia Lê Quốc Vinh, người dùng mạng xã hội cần bình tĩnh, khách quan hơn, tránh phán xét cảm tính. Đó cũng là văn hóa ứng xử của người dùng khi tham gia mạng xã hội.
Trước vụ 500.000 đồng 3 quả dứa, ở Hà Nội, đặc biệt khu phố cổ – nơi có nhiều khách du lịch – từng diễn ra nhiều vụ người bán hàng “chặt chém” du khách gây bức xúc dư luận và đều được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, công khai, minh bạch.
Có thể kể đến những vụ như vụ bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng, bán 4 chiếc bánh rán giá 50.000 đồng, “chặt chém” 1 củ khoai nướng 80.000 đồng…
Liên quan vụ 500.000 đồng 3 quả dứa, Công an quận Hoàn Kiếm phản hồi đó là thông tin sai sự thật. Người bán trái cây không chèo kéo khách du lịch để bán giá cao, nên không đủ căn cứ để xử phạt.
Song, việc bán hàng của người này đã vi phạm quy định nên công an phường lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.