Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – HoSE: VPB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Đáng chú ý, HĐQT VPBank cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế bền vững theo hình thức riêng lẻ cho một số nhà đầu tư. Loại hình phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo, không kèm theo chứng quyền. Đồng tiền phát hành là USD với khối lượng phát hành tối đa 400 triệu USD, thời hạn 5 năm.
Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024 hoặc quý I/2025. Mục đích phát hành để cấp tín dụng cho các phương án, dự án, nhu cầu tài trợ đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội đủ điều kiện theo khung trái phiếu bền vững của ngân hàng.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2024, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất là 974.270 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022. Nhà băng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 22% so với kết quả thực hiện của năm trước.
Trong đó, lợi nhuận của của VPBank là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank là 1.902 tỷ đồng và của Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng đạt 752.104 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2023. Mức tăng trưởng trên dựa theo nhu cầu và năng lực của ngân hàng.
Về tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá, nhà băng dự kiến 598.864 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 20023. Trong đó, tiền gửi tại VPBank là 572.436 tỷ đồng còn của FE Credit là 26.248 tỷ đồng. Nhà băng cũng dự kiến kiểm soát tỉ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ dưới 3%. Năm 2023, tỉ lệ nợ xấu của VPBank là 2,95%.
VPBank cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Theo đó, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VPBank là 8.353 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng dự kiến sử dụng gần 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỉ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).
Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II – III năm 2024. Thời gian cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng.
Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 30 triệu cổ phiếu, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, VPBank sẽ tổ chức bầu bổ sung một thành viên HĐQT. Nhiệm kỳ của thành viên được bầu bổ sung là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ HĐQT năm 2020 – 2025. Ngân hàng sẽ nhận hồ sơ ứng cử, đề cử đến trước ngày 8/4/2024.
Theo đó, tại thông báo, VPBank cho biết, tại phiên họp thường niên năm 2020, ĐHĐCĐ VPBank đã bầu ra 5 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đã thống nhất bầu bổ sung một thành viên HĐQT trên cơ sở xem xét ứng viên do nhà đầu tư chiến lược nước ngoài SMBC đề cử sau khi trở thành cổ đông của VPBank, nâng tổng số thành viên HĐQT lên 6 người.
Hiện nay, SMBC đã đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT VPBank và nhà băng đang trình Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến bầu bổ sung này.
ĐHĐCĐ VPBank dự kiến tổ chức vào 9h ngày 29/4/2024 tại Ball Room tầng 6, Khách sạn Lotte, số 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.