Việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ những năm đầu đời là vô cùng quan trọng, giúp cơ thể sản sinh ra miễn dịch đặc hiệu chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm để phát triển sức khỏe toàn diện.
Phụ huynh đưa con tiêm vắc-xin phòng bệnh tại CDC Đà Nẵng. Ảnh: T.V |
Cần tiêm đầy đủ và đúng thời gian
Đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng (118 Lê Đình Lý, quận Thanh Khê) vào chiều cuối ngày nhưng phụ huynh và con em đến tiêm chủng khá đông. Chị Trần Thị Nguyệt (29 tuổi) cùng chồng là anh Nguyễn Viết Trường (35 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết: “Chúng tôi đưa con gái 18 tháng tuổi đi tiêm mũi nhắc lại viêm gan B. Tiêm vắc-xin cho trẻ từ lúc sinh ra là rất cần thiết và tiêm mũi nhắc lại càng quan trọng. Bởi tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 thì chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định, nếu lượng kháng thể giảm đi mà chưa tiêm mũi nhắc lại thì cơ thể trẻ không có khả năng bảo vệ nếu không may mầm bệnh tấn công”.
Bác sĩ Trương Tấn Nam, Trưởng phòng khám đa khoa, CDC Đà Nẵng cho rằng, phụ huynh nên lưu ý các mũi tiêm nhắc lại để cơ thể trẻ sinh kháng thể lần sau cao hơn lần trước để phòng, tránh khi có nguy cơ mắc bệnh. Thực tế, nhiều phụ huynh bỏ quên việc tiêm nhắc lại, điều này làm giảm tác dụng vắc-xin và trẻ không có hàng rào chống lại các bệnh truyền nhiễm. Liệu trình mỗi loại vắc-xin được nhà sản xuất nghiên cứu chặt chẽ để bảo đảm tạo được đáp ứng miễn dịch tốt nhất cho người dùng. Vì vậy, phụ huynh cần tuân thủ liệu trình tiêm đầy đủ, đúng lịch.
“Để nhắc nhở phụ huynh lịch tiêm chủng, đến thời gian tiêm mũi nhắc lại trung tâm sẽ nhắn tin, gọi điện thoại. Song song, trên sổ tiêm chủng có ghi rõ thời gian tiêm, mũi tiêm cụ thể để phụ huynh nắm thông tin. Đồng thời, trước khi tiêm mũi nhắc lại các liều vắc-xin, chúng tôi kiểm tra trẻ có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước hay không và tùy theo đánh giá, phản ứng lần đầu nhẹ hay trung bình hoặc nặng để cân nhắc. Bất kỳ loại vắc-xin nào nếu tiêm mũi nhắc lại trễ hơn so với thời gian quy định thì sẽ không có hiệu quả phòng bệnh, chúng tôi buộc phải xét nghiệm số lượng kháng thể, nếu không thì sẽ phải tiêm liệu trình mới. 90% phụ huynh tiêm mũi 1 ở CDC đều quay trở lại tiêm mũi nhắc lại”, bác sĩ Nam cho hay.
Theo bác sĩ Trần Nguyễn Thu Thảo, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, ngoài các loại vắc-xin được khuyến cáo cần tiêm cho trẻ như bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, Hib (Hemophilus influenza tuýp B) thì trẻ em cần tiêm chủng thêm 20 loại vắc-xin như: lao, viêm gan B, viêm màng não do Hib, bại liệt, Rota virus gây tiêu chảy và phế cầu, cúm, não mô cầu BC, não mô cầu ACYW135, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan A…
“Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất và cung cấp vắc-xin phòng 8/10 loại bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng và một số loại vắc-xin khác phù hợp với nguồn lực của đất nước. Đồng thời, Chính phủ đã có lộ trình bổ sung các loại vắc-xin theo giai đoạn để góp phần bảo vệ sức khỏe, giảm gánh nặng bệnh tật. Giai đoạn 2022-2030, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 4 loại vắc-xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ em là Rotavirrus, phế cầu, HPV (vi rút gây ung thư sinh dục, đặc biệt ung thư cổ tử cung) và cúm mùa”, bác sĩ Thảo chia sẻ.
Không chỉ ở CDC Đà Nẵng mà tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (Khu công viên Bắc Tượng đài, quận Hải Châu) khá đông khách hàng đến tiêm vắc-xin theo lịch đã đăng ký. Chị Lê Thị Hương Giang (30 tuổi) nói rằng, dù nhiều mũi tiêm ngoài danh mục miễn phí với giá khá cao như tiêu chảy cấp Rotavirus, các bệnh do phế cầu khuẩn, viêm màng não mô cầu ACYW-135 nhưng để bảo đảm sức khỏe cho con thì chị sẵn sàng đáp ứng.
Giống trẻ em, người lớn cũng cần phải đi tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm giai đoạn chuẩn bị mang thai, chị Lê Thị Hương Giang (30 tuổi) cho hay: “Tôi lên kế hoạch có em bé thời gian tới, mong muốn trong quá trình mang thai hạn chế những bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng sang con nên đăng ký tiêm vắc-xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm và viêm gan B. Riêng uốn ván, tôi được tư vấn là khi có thai khoảng 20 tuần tuổi sẽ tiêm mũi 1 và hoàn thành mũi tiêm 2 trước khi sinh ít nhất 1 tháng. Không chỉ riêng tôi, chồng tôi cũng tiêm vắc-xin loại tương tự để nhân đôi vòng tròn bảo vệ. Tôi và chồng mong muốn chuẩn bị mọi thứ tốt nhất trước khi bước vào thai kỳ khỏe mạnh”.
Chọn nơi tiêm chủng tin cậy
Chị Nguyễn Thanh Thảo (35 tuổi, quận Cẩm Lệ) vui vẻ nói: “Tôi chọn tiêm chủng ở CDC Đà Nẵng từ khi sinh con trai đầu và đến giờ là con trai thứ 2. Ở đây không gian rộng rãi, thoáng mát, có khu vui chơi. Song song, những mũi tiêm vắc-xin nhắc lại đều được các y, bác sĩ gọi điện và nhắn tin nhắc nhở thời gian tiêm cụ thể. Nhờ vậy, con của tôi đã tiêm vắc-xin đầy đủ, không bỏ sót mũi nào và giờ sinh con trai thứ 2 tôi như thuộc nằm lòng tiêm vắc-xin gì và thời điểm tiêm”.
Đồng quan điểm, chị Phan Thị Ái Nhi (40 tuổi, quận Hải Châu) cho hay: “Tôi chọn tiêm chủng mở rộng cho con gái tại trạm y tế phường. Ngoài vắc-xin danh mục tiêm chủng mở rộng tôi đăng ký tiêm những mũi cần thiết cho con tại CDC Đà Nẵng bởi đây là nơi đáng tin cậy. Việc chọn nơi uy tín để tiêm chủng là điều quan trọng, tránh những hậu quả không đáng có”.
Bác sĩ Trần Nguyễn Thu Thảo cho biết, hiện nay, người dân có nhiều sự lựa chọn nơi tiêm chủng như tiêm dịch vụ tại các trung tâm hay tiêm tại trạm y tế phường, xã hoặc các trung tâm y tế quận, huyện. Điều này có ý nghĩa tích cực và tạo cơ hội cho người dân thuận tiện, dễ dàng tiếp cận dịch vụ, giúp tăng độ bao phủ tiêm chủng trong cộng đồng. Đồng thời, các cơ sở y tế tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây, góp phần chia sẻ trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân với y tế công lập, trong đó có tiêm chủng phòng bệnh.
Theo bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC Đà Nẵng, sử dụng vắc-xin phòng bệnh là xu hướng tiên tiến của y học vì có khá nhiều bệnh truyền nhiễm cần phải dự phòng trước. Tuy nhiên, để sử dụng vắc-xin rộng rãi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ ảnh hưởng, truyền nhiễm mức độ cao cho cộng đồng; đặc điểm dịch tễ; mô hình bệnh tật; nguồn lực tài chính; khả năng nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Khoảng 85%-95% người được tiêm chủng sẽ sản sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Vắc-xin và tiêm chủng giúp con người, đặc biệt là trẻ em được khỏe mạnh, hạn chế ốm đau, giảm chi phí chăm sóc y tế, thời gian và công sức. Vì vậy, việc bao phủ vắc-xin diện rộng còn bảo vệ cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, tiêm chủng phòng bệnh không những bảo vệ sức khỏe con người, tác động lâu dài đến sức khỏe giống nòi mà còn mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho gia đình, cộng đồng và quốc gia.
HUỲNH TƯỜNG VY