SGGP
Theo báo cáo của IEA, dù tổng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2000-2022, nhưng nếu chỉ dựa vào năng lượng tái tạo thì không thể tạo ra đủ điện để đáp ứng nhu cầu từ các nền kinh tế đang phát triển.
Thế giới vẫn còn phụ thuộc vào nhiệt điện than để phát triển kinh tế và phục hồi sau đại dịch. Ảnh: World Nation News |
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo cho thấy nhu cầu về than của Ấn Độ, quốc gia có sản lượng nhiệt điện lớn thứ hai thế giới, đã tăng 8% vào năm 2022. Indonesia, với nhu cầu tăng 36%, đã trở thành nước tiêu thụ nhiệt điện lớn thứ 5 thế giới.
Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu Âu cũng đảo ngược chính sách loại bỏ dần than đá do thiếu khí đốt tự nhiên. Theo báo cáo của IEA, dù tổng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2000-2022, nhưng nếu chỉ dựa vào năng lượng tái tạo thì không thể tạo ra đủ điện để đáp ứng nhu cầu từ các nền kinh tế đang phát triển.
IEA cũng từng có báo cáo cho biết năm 2022, ước tính mức tiêu thụ than trên toàn thế giới tăng 1,2% so với năm 2021, vượt 8 tỷ tấn. Và nhu cầu toàn cầu về năng lượng hóa thạch dự kiến sẽ đạt mức cao mới trong năm nay.
Than đá có chi phí rẻ và nguồn cung ổn định mà các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều dựa vào trong những thời điểm khẩn cấp. Đức, quốc gia đi đầu trong việc khử carbon, cũng đã phải tăng sản lượng điện than khi nguy cơ thiếu hụt năng lượng trở nên nghiêm trọng do gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga. Pháp cũng đã nối lại hoạt động của các nhà máy điện than.
Tại Nhật Bản, sản lượng điện than chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện. Tỷ lệ phụ thuộc vào than đá của nước này đã tăng khoảng 5% sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Đây được coi là vòng luẩn quẩn giữa đảm bảo an ninh năng lượng và hành động chống biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ tăng hơn 1,5oC sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng, lượng mưa lớn và các rủi ro khí hậu khác.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, thế giới chỉ được phép thải thêm 400 tỷ tấn CO2 nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,5oC. Nếu lượng phát thải hàng năm hiện tại ở mức 40 tỷ tấn tiếp tục được duy trì, thế giới sẽ chỉ còn 10 năm nữa để hành động.