ANTD.VN – Số dự án và số vốn đăng ký cấp mới của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số vốn điều chỉnh các dự án đang thực hiện lại giảm.
Doanh nghiệp FDI vẫn đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20-4-2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, vốn đầu tư điều chỉnh với các dự án đang thực hiện tiếp tục giảm, còn vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần đã tăng trở lại.
Cụ thể, có 750 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 65,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ). Có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5%), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Bên cạnh đó, 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 1,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD (tăng 70,4% so với cùng kỳ).
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến ngày 20-4, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đã có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD. Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 16,1%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,2%).
Tại Hội nghị Thủ tướng với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa diễn ra, đại diện các doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn hấp dẫn. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn được thêm ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và cải cách hành chính, cũng như Việt Nam cần có cơ chế chính sách rõ ràng với giá điện, năng lượng tái tạo…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài.