VinaCapital cho rằng hệ thống KRX và khả năng nâng hạn thị trường sẽ giúp chứng khoán Việt Nam năm nay hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài đã có 6 phiên mua ròng từ 11-18/1 với tổng giá trị gần 600 tỷ đồng trên sàn HoSE. Ngân hàng và bán lẻ là các nhóm cổ phiếu được họ chuộng gom hàng nhiều nhất, đáng kể có MWG, HPG, STB, VCB…
Tuy chưa xác định xu hướng rõ rệt, việc khối ngoại ưu tiên chiều mua đã giúp cổ phiếu hai ngành kể trên nổi sóng suốt hơn tuần qua. Động thái này cũng kéo theo nhiều kỳ vọng trên thị trường khi họ đã bán ròng hơn 19.500 tỷ đồng vào năm ngoái.
Trong buổi gặp mặt báo chí gần đây, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng giám đốc khối Đầu tư Chứng khoán VinaCapital, cho biết việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam có thể liên quan đến câu chuyện các thị trường khác như Ấn Độ, Nhật Bản có hiệu suất tốt hơn. Nhưng gần đây, quỹ này ghi nhận chính những nhà đầu tư rút vốn này đã liên hệ với VinaCapital để đầu tư trở lại
“Năm nay Việt Nam có rất nhiều cơ hội về thị trường chứng khoán, vốn đầu tư tư nhân và cả bất động sản”, bà Thu nói.
Một trong những luận điểm quan trọng cho dự báo trên là triển vọng nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo dự báo của VinaCapital, hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin mới cho sàn HoSE, cho phép giao dịch trong cùng một ngày) đi vào hoạt động trong quý I và quy định về yêu cầu ký quỹ được loại bỏ. Nhờ đó, khả năng được xếp vào nhóm thị trường mới nổi của FTSE Russell sẽ diễn ra ở bước đánh giá sơ bộ ngay tháng 3 và chính thức vào tháng 9. Còn với MSCI, thời gian dự kiến được nâng hạng phải đến năm 2027. Đây là hai trong ba tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, thường được xem như cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Nếu Việt Nam được nâng hạn theo FTSE, thị trường sẽ có thêm 16 quỹ theo dõi với dòng vốn 90 tỷ USD. Nếu được nâng hạn theo MSCI, số lượng quỹ sẽ là 844 với tổng vốn 615 tỷ USD. Theo tính toán của VinaCapital, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5-8 tỷ USD.
Cùng là quỹ ngoại, Dragon Capital cũng có dự đoán tích cực về dòng vốn nước ngoài trong năm nay. Nhóm phân tích cho rằng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể cải thiện khi có thông tin tích cực như việc cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) hay các bước tiến mới trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản cho dòng vốn ngoại. Với kịch bản tích cực, dòng vốn ngoại sẽ tăng ròng 700 triệu USD với các yếu tố hỗ trợ bao gồm tình trạng chênh lệch lãi suất giữa USD và VND dần được thu hẹp khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện giảm lãi suất. Ngoài ra, kịch bản này có thể được hỗ trợ bởi tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp do FTSE Russell đánh giá có các tín hiệu tích cực và nhà đầu tư Thái Lan dần hoạt động tích cực trở lại sau khi quy định thuế mới có hiệu lực từ năm nay.
“Khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng, dòng vốn có thể hướng đến các cổ phiếu có vốn hóa lớn, còn ‘room’ ngoại, đáp ứng tiêu chí thanh khoản, tỷ lệ free-float – sự chuẩn bị đón đầu khi thị trường được nâng hạng”, nhóm phân tích này nói.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại có thể bán ròng 200 triệu USD khi kết thúc năm 2024 nếu các yếu tố trên không diễn ra thuận lợi.
Cụ thể hơn về thời điểm, công ty tư vấn đầu tư FIDT cho rằng phải đến nửa sau năm 2024, dòng vốn nước ngoài mới quay lại thị trường Việt Nam. Thời điểm đó, chứng khoán trong nước sẽ hưởng lợi chung từ triển vọng nhà đầu tư ngoại sẽ quay về nền kinh tế đang phát triển ở châu Á khi định giá ở các thị trường phát triển ở mức cao, không còn phù hợp với rủi ro suy thoái.
Bản thân thị trường Việt Nam cũng hấp dẫn nhờ những câu chuyện riêng. Thứ nhất, hệ thống KRX và kỳ vọng nâng hạng thị trường sẽ trở thành nền tảng tiếp cận dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trong dài hạn. Thứ hai, các động lực kinh tế vĩ mô dù đang ở mức thấp, vẫn cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự cải thiện. Chính sách tiền tệ và tỷ giá duy trì ổn định sẽ tiếp tục thẩm thấu vào nền kinh tế như kỳ vọng trong năm nay.
Thứ ba, rủi ro về bất ổn chính trị thấp. Trong bối cảnh thế giới phân mảnh và mang nhiều rủi ro khó lường, Việt Nam vốn là tâm điểm quan tâm đầu tư sẽ tiếp tục được đánh giá cao khi giữ được vị thế trung lập và không ngừng tạo các mối quan hệ chiến lược với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Theo chuyên gia FIDT, đây cũng là một yếu tố quan trọng tác động lên quyết định đầu tư của dòng vốn ngoại.
Tất Đạt