Kết quả này có sự đóng góp của hệ thống ngân hàng An Giang đã tập trung cho vay vốn đầu tư vào các dự án, chương trình, mô hình thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cánh đồng lớn; phát triển mô hình sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản; mô hình du lịch sinh thái nhà – vườn… hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp, nông thôn địa phương.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh |
Đầu tư vốn tín dụng cho phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Kết quả hoạt động tín dụng của TCTD trên địa bàn cho thấy tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã được thúc đẩy phát triển, nếu năm 2015 chỉ chiếm tỉ lệ 48,75%/ tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn, thì đến cuối tháng 3/2023 đã tăng lên 63,6%/ tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn, tỉ lệ tăng 4,86% so với năm trước (dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 67.440 tỉ đồng).
Tốc độ tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn luôn cao hơn so với tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2022 đạt 14,36%, trong khi đó tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng toàn địa bàn giai đoạn 2015-2022 là 10,24%. Giai đoạn 2015-3/2023, cơ cấu tín dụng nông nghiệp, nông thôn có sự tăng trưởng ấn tượng phù hợp với chiến lược thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Tính đến tháng 3/2023, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn không có tài sản bảo đảm đạt 6.900 tỷ đồng với 164.995 lượt khách hàng còn dư nợ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2022 khá cao đạt 40,03%. Điều này cho thấy dòn vốn của ngân hàng đang chảy mạnh vào nông nghiệp, nông thôn.
Cơ cấu tín dụng theo lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng dư nợ tín dụng cao nhất. Đến thời điểm cuối tháng 3/2023 dư nợ tín dụng toàn địa bàn là 106.037 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 67.440 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 63,60%, điều này cho thấy sự đóng góp tích cực của ngân hàng cho vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục ngành nghề truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kĩ thuật vào phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Vốn ngân hàng thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở An Giang. |
Lúa gạo và cá tra là mặt hàng thế mạnh của An Giang, đem lại nguồn thu lớn cho xuất khẩu của tỉnh. Với hai mặt hàng nông sản chủ lực của An Giang có mức tăng trưởng tín dụng cho vay ấn tượng. Dư nợ tín dụng ngành lúa gạo đến cuối tháng 3/2023 là 15.195 tỉ đồng, tăng 4,84% so với năm 2022, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2022 là 16,12%; Dư nợ cho vay ngành thủy sản đến cuối tháng 3/2023 là 13.456 tỉ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2022 là 13,06%.
Xét về mở rộng đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 55 đã bổ sung mở rộng các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn; chủ trang trại; tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện rộng mở cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp và sản xuất trên địa bàn nông thôn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Kết quả dư nợ cho vay cá nhân, hộ gia đình đến cuối tháng 3/2023 là 49.933 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2022 là 18,35%; Dư nợ cho vay doanh nghiệp đến cuối tháng 3/2023 là 16.803 tỉ đồng, tăng 20,67% so với cuối năm 2022, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2022 là 12,56%.
Kết quả trên cho thấy, dòng vốn tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh, chủ lực của An Giang theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương.
Những vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện thời gian tới
Định hướng đến năm 2025, An Giang phát triển khoảng 100.000ha chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết doanh nghiệp. Đồng thời, phục hồi và phát triển các vùng sản xuất lúa đặc sản, tỉnh duy trì ổn định vùng sản xuất lúa giống qui mô 20.000-25.000 ha .
Để nâng cao giá trị sản xuất, ngành nông nghiệp nỗ lực tăng diện tích sản xuất áp dụng kĩ thuật canh tác cải tiến (“1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”) lên 95-98% tổng diện tích lúa; tăng nhanh tỉ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường. Cùng với đó, tăng cường diện tích sản xuất lúa, nếp có liên kết với doanh nghiệp thông qua các THT, HTX đến năm 2025 đạt 200.000-250.000ha.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đăng kí sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam”; đến năm 2025 cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao xuất khẩu. An Giang tăng cường đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi lúa gạo, tiến đến giảm CO2 trong sản xuất, kết hợp bán tín chỉ carbon để nâng cao thu nhập từ trồng lúa.
Ngoài ra, định hướng đến năm 2025, tỉnh phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500-1.600 ha, phát triển các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; diện tích nuôi áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi đạt 90%. An Giang được quy hoạch xây dựng trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang.
Để đáp ứng qui hoạch ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh, hệ thống ngân hàng An Giang tập trung huy động nguồn vốn để cho vay đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của An Giang.
Để tạo đột phá mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hệ thống ngân hàng An Giang thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau: Một là, tiếp tục chỉ đạo các TCTD cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật. Hai là, thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể. Ba là, tích cực góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của HTX; Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với HTX ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế.
ThS. Trần Trọng Triết