Taxi chạy xe xăng lai điện
Ông Đặng Thành Duy – tổng giám đốc Vinasun – cho biết năm 2024 công ty đầu tư 630 – 650 tỉ đồng để đổi mới đội xe với số lượng hơn 800 chiếc chạy động cơ hybrid (xăng lai điện) như Toyota Yaris, Innova…
Số lượng xe mới đã được hãng ô tô bàn giao và Vinasun đã vận hành toàn bộ xe đặt mua để chở khách, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Ông lớn” taxi khu vực phía Nam đồng thời cam kết giữ nguyên giá cước đối với dịch vụ mới.
Hiện nay, mức giá mở cửa đối với dịch vụ taxi 4 chỗ tiêu chuẩn 11.000 đồng/500m. Trong phạm vi 30km, giá cước mỗi km 17.400 đồng và giảm xuống còn 14.500 đồng từ km thứ 31 trở đi.
Ngoài nhận hơn 800 xe hybrid, Vinasun cũng ký kết dự án hợp tác chiến lược cho kế hoạch đầu tư 2.000 xe Toyota hybrid trong năm 2025.
Taxi truyền thống đang “thay áo” dàn xe mới, cạnh tranh với taxi điện như Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và các ứng dụng xe công nghệ khác Grab, Be, Gojek.
Trong khi đó Mai Linh cho biết sẽ mua 10.000 xe mới trong vòng 3 năm. Riêng năm 2024, hãng đặt mục tiêu đầu tư 2.224 xe, bao gồm 1.000 xe hybrid cho các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo taxi truyền thống, lựa chọn mua xe hybrid vận hành khác biệt hơn với xe xăng hoặc xe thuần điện. Xe chạy động cơ xăng lai điện nên tiết kiệm nhiên liệu và không cần thời gian sạc pin, mà còn giảm thiểu khí thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường.
Dù vậy, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, bên cạnh hãng taxi thuần điện Xanh SM, nhiều hãng taxi truyền thống đang từng bước chuyển đổi dàn phương tiện từ xe xăng sang xe điện.
Điển hình, taxi MaiLove (Nghệ An), taxi Én Vàng (Hải Phòng), taxi Lado (Lâm Đồng), taxi Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh)… đã đầu tư từ vài trăm đến hàng ngàn xe ô tô điện mới với phương thức đầu tư đa dạng, từ mua, thuê hoặc thuê mua xe điện.
Thậm chí, doanh nghiệp tư nhân lại “mạnh tay” chi tiền mua 2.000 ô tô thuần điện để kinh doanh dịch vụ mới tại Việt Nam.
Ông Võ Quốc Bình, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Togo (TP.HCM), cho biết đã ký kết mua 2.000 xe ô tô điện Wuling Mini EV làm dịch vụ đưa đón khách nhậu miễn phí và đưa đón trẻ em đi học, người dân đi làm.
Theo ông Bình, dịch vụ đón trẻ em đi học đang được nhiều phụ huynh quan tâm. Hãng cung cấp mức giá 3,7 – 4,9 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, công ty này còn mở dịch vụ độc đáo, tiên phong tại Việt Nam là đón – đưa khách miễn phí tới các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, spa… đáp ứng tất cả mọi nhu cầu di chuyển hằng ngày ở những quãng đường ngắn phù hợp từng thời điểm.
Tạo hỗ trợ doanh nghiệp taxi chuyển đổi xe điện
Trong tháng 6-2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái có văn bản giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch.
Trước đó cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều quyết định để thúc đẩy thị trường xe điện. Cuối tháng 4, Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư yêu cầu trạm dừng nghỉ loại 1, 2 trở lên phải có trụ sạc, điểm đỗ riêng cho xe điện.
Hệ thống điện phục vụ cho các trụ, thiết bị sạc điện cho xe ô tô điện phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh theo nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm.
Những chính sách này giúp giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng trạm sạc – một trong hai yếu tố ngoài giá cả, ngăn người dùng chọn mua ô tô điện thay vì xe chạy động cơ đốt trong. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm 10% tổng số xe mới bán ra vào năm 2030.
Nguồn: https://tuoitre.vn/von-do-vao-nganh-taxi-mo-dich-vu-dua-don-hoc-sinh-va-khach-nhau-20240617143542295.htm