Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM), 1 trong 11 cá nhân vừa được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2024.
Sinh năm 1981 tại Hải Dương, Nguyễn Thị Thu Hoài theo đuổi đam mê môn Sinh học từ năm lớp 9. Sau đó, chị học chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (tỉnh Hải Dương) rồi được tuyển vào chương trình cử nhân khoa học tài năng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Đức, Thu Hoài quay trở lại Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó đến Viện Sức khỏe quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) học thêm một thời gian ngắn rồi đến Bỉ nghiên cứu chuyên sâu.
Năm 2011, chị quyết định dừng chân ở Khoa Công nghệ sinh học, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) để tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy.
Dù có cơ hội làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài song Thu Hoài muốn về Việt Nam để làm việc và cống hiến cho nước nhà. Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài cũng tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nữ giới.
Theo nữ tiến sĩ 8X này, khi phụ nữ quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học sẽ gặp không ít khó khăn. Quãng thời gian từ 25 đến 35 tuổi là giai đoạn cần học hỏi, tích lũy nhiều nhất thì người phụ nữ lại phải dành thời gian thực hiện thiên chức làm mẹ. Vì vậy, khi đã chọn theo con đường nghiên cứu khoa học, điều quan trọng nhất là phải giữ được “ngọn lửa” đam mê.
“Hiện nay, công nghệ phát triển rất nhanh, nếu không giữ được niềm đam mê để liên tục học hỏi thì sẽ bị tụt hậu, dẫn đến tư tưởng buông xuôi. Tôi nghĩ rằng, khi bản thân có đủ đam mê, đủ yêu thích thì phụ nữ sẽ biết cách sắp xếp thời gian để theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Thực tế, việc trở lại ở tuổi 35 sau một thời gian sinh nở, chăm con nhỏ cũng không phải là vấn đề quá lớn, đừng nghĩ là mình đã già, không muốn học thạc sĩ, học tiến sĩ nữa. Khi đã có cơ sở, có niềm đam mê rồi thì sẽ bắt kịp được, mọi thứ không bao giờ là quá muộn”, nữ tiến sĩ nhấn mạnh.
Với cá nhân PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, những khó khăn mà bản thân chị gặp phải trong quá trình nghiên cứu khoa học không ít. Song, sự ủng hộ của gia đình cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo, đồng nghiệp đã trở thành điểm tựa để chị vượt qua thử thách.
“Nghiên cứu khoa học là một hành trình dài. Tôi chưa bao giờ thấy hài lòng với những gì đã đạt được. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực không ngừng để cống hiến cho đất nước”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ.
Đến nay, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài đã công bố 82 công trình, là chủ nhiệm 7 đề tài trong nước và tham gia 5 đề tài khác. Trong đó, đề tài “Sự phân bố của trực khuẩn mủ xanh trên cơ thể người”; “Nghiên cứu ảnh hưởng của Covid-19 lên sức khỏe tâm thần của 37.150 sinh viên Việt Nam” đã có nhiều đóng góp về sức khỏe cộng đồng.
Với những đóng góp và cống hiến của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài đã nhận giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc L’Oreal-Unesco (2023); “Nữ trí thức tiêu biểu TPHCM giai đoạn 2019-2024” do Hội nữ trí thức TPHCM trao tặng…
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/muon-theo-duoi-con-duong-nghien-cuu-khoa-hoc-phai-giu-duoc-ngon-lua-dam-me-20241018194828348.htm