Vỡ tử cung là một trong những biến chứng sản khoa đặc biệt nguy hiểm, có thể xuất hiện trong thời kỳ mang thai hoặc trong quá trình chuyển dạ. Vậy chính xác thì vỡ tử cung có sao không và có những dấu hiệu nhận biết nào? MEDLATEC sẽ cùng bạn học phân tích mức độ nguy hiểm của tình trạng này trong phần tổng hợp kiến thức y khoa dưới đây.
1. Thế nào là vỡ tử cung?
Vỡ tử cung hay Uterine Rupture là một dạng biến chứng sản khoa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả thai phụ và thai nhi. Đây là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc đến lớp cơ, thậm chí đến cả lớp phúc mạc.
Vỡ tử cung – biến chứng sản khoa có thể gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi
Tình trạng vỡ tử cung có thể xuất hiện trong thai kỳ hoặc trong khi mẹ bầu vượt cạn (tỷ lệ xuất hiện trong thai kỳ thấp hơn). Thai phụ từng phẫu thuật để lại sẹo tại tử cung hoặc xuất hiện các bất thường, dị dạng tại tử cung là đối tượng có nguy cơ bị vỡ tử cung.
Dựa theo vị trí, tình trạng, vỡ tử cung hiện được phân loại theo 4 dạng chính, bao gồm:
- Vỡ tử cung toàn bộ: Tình trạng lớp niêm mạc, cơ tử cung, lớp phúc mạc bị xé rách khiến buồng tử cung bị thông ra ổ bụng. Kết quả là thai nhi cùng rau thai bị tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc.
- Vỡ dưới phần phúc mạc (hay vỡ tử cung không hoàn toàn): Xảy ra khi niêm mạc và cơ tử cung bị xé rách, nhưng phúc mạc chưa bị tổn thương. Khi đó, thai nhi cùng bánh rau chưa bị đẩy ra khỏi tử cung nên thai có thể còn sống.
- Vỡ tử cung phức tạp: Giống như vỡ tử cung toàn bộ, nhưng kèm theo đó là tình trạng tổn thương những hệ cơ quan lân cận như âm đạo, túi cùng, bàng quang hoặc đứt động mạch tử cung.
- Vỡ tử cung khi thai phụ có sẹo phẫu thuật cũ: Có thể xảy ra khi vết nứt xuất hiện tại sẹo mổ cũ (nứt một phần), gây rỉ máu.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tử cung bị vỡ?
2.1. Nguyên nhân đến từ thai phụ
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây vỡ tử cung thường đến từ thai phụ. Chẳng hạn như:
- Tình trạng bất đối xứng giữa khung chậu và thai nhi: Cụ thể phần khung chậu quá lớn không tương thích với khối lượng của thai nhi, các khối u xơ hoặc u buồng trứng,… dễ làm tăng nguy cơ vỡ tử cung.
- Thai phụ có sẹo phẫu thuật cũ: Chẳng hạn như sẹo mổ lấy thai, sẹo mổ dọc theo phần thân tử cung.
- Tử cung của thai phụ bị dị dạng: Tử cung chỉ có một sừng hoặc hai sừng, tử cung dạng đôi.
- Một số nguyên nhân khác: Thai phụ từng mang thai hay sinh nở nhiều, thai phụ có tiền sử mang thai đôi hoặc đa thai, thai phụ từng nạo phá thai, chấn thương tại vùng bụng, thai phụ có thai sớm dù sinh mổ chưa lâu.
Thai phụ từng mổ lấy thai, còn sẹo mổ có nguy cơ bị vỡ tử cung cao hơn đối tượng khác
2.2. Nguyên nhân đến từ thai nhi
Một vài bất thường của thai nhi đôi khi lại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỡ tử cung như:
- Thai nhi phát triển lớn bất thường, không cân xứng với khung chậu.
- Thai nhi gặp phải tình trạng não úng thủy to, hoặc bị dính nhau.
- Bất thường liên quan đến ngôi thai như ngôi thai mông hoặc ngôi thai ngang, tư thế thai bất thường.
2.3. Nguyên nhân phát sinh trong khi sinh
Một số vấn đề có thể phát sinh trong quá trình sinh có thể khiến tử cung dễ bị vỡ hơn, cụ thể:
- Thời gian sinh kéo dài do khung chậu hẹp, thai nhi khó lọt xuống.
- Một số thủ thuật áp dụng chưa phù hợp, điều kiện kỹ thuật không đảm bảo.
- Xuất hiện các cơn co tử cung bất thường, đặc biệt là khi thai phụ từng dùng thuốc tăng co.
3. Dấu hiệu cảnh báo bị vỡ tử cung
3.1. Triệu chứng ở giai đoạn doạ vỡ tử cung
Dọa vỡ tử cung là giai đoạn trước thời điểm tử cung bị vỡ. Triệu chứng thường gặp lúc này là:
- Thai phụ bị đau bụng thường xuyên, cơn đau có xu hướng kéo dài, cường độ đau tăng dần.
- Đoạn dưới tử cung tới gần rốn co thắt lại làm cho tử cung có hình quả bầu thắt ở giữa.
- Khi thân tử cung bị đẩy lên cao thì sờ thấy được sợi dây chằng tròn bị kéo dài, căng như 2 sợi dây đàn.
- Nhịp tim thai nhanh, chậm bất thường.
3.1. Triệu chứng vỡ tử cung trong thai kỳ
- Cảm thấy đau nhói tại vùng hạ vị một cách bất ngờ, cơn đau tập trung tại khu vực sẹo mổ cũ.
- Bị choáng nhẹ, hoặc choáng nặng do mất máu.
- Các cơn co tử cung giảm hoặc không xuất hiện.
- Cơ thể bị sốc, huyết áp tụt, nhịp tim thai phụ nhanh hoặc chậm bất thường, khó xác định chính xác.
- Nhịp tim của thai nhi chậm, đôi khi không thấy tim thai.
- Chảy máu âm đạo nhiều hoặc ít, tùy mức độ nghiêm trọng.
- Nước ối chuyển sang màu đỏ.
Khi cảm thấy đau nhói tại vùng hạ vị, mẹ bầu tuyệt đối không nên chủ quan
3.3. Triệu chứng vỡ tử cung trong giai đoạn chuyển dạ
Dưới đây là một số triệu chứng vỡ tử cung trong giai đoạn chuyển dạ:
- Cơn đau nhói xuất hiện đột ngột, cơn đau có thể giảm dần nhưng tiết lượng vẫn xấu đi.
- Làn da xanh xao.
- Nhịp tim đập nhanh, huyết áp giảm thấp, tứ chi lạnh.
- Máu từ âm đạo chảy ra đỏ tươi.
- Nước tiểu lẫn máu.
- Mẹ bầu có nguy cơ bị suy thai, tử cung mất dần khả năng co thắt.
4. Tử cung vỡ nguy hiểm như thế nào?
Trường hợp phát hiện muộn, không điều trị can thiệp kịp thời, tình trạng vỡ tử cung có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả thai phụ và thai nhi. Theo đó, khi bị mất máu, thai phụ có nguy cơ bị sốc. Trường hợp tử cung bị vỡ hoàn toàn hoặc vỡ phức tạp, mẹ bầu có thể phải cắt tử cung, mất khả năng sinh sản về sau. Không dừng lại ở đó, vỡ tử cung đôi khi còn tổn thương đến nhiều hệ cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng, thiếu các mạch máu,… trong khi phẫu thuật cấp cứu.
Vỡ tử cung có thể khiến thai phụ mất khả năng sinh sản về sau
Ngoài ra, vỡ tử cung là một trong những nguyên nhân đe dọa trực tiếp đến tính mạng của thai nhi. Trường hợp không được đưa ra khỏi bụng mẹ kịp thời, thai nhi rất khó duy trì sự sống. Chính vì vậy, thai phụ bị vỡ tử cung thường được bác sĩ chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp, tiến hành biện pháp cầm máu kịp thời cho người mẹ.
5. Cách phòng ngừa vỡ tử cung cho mẹ bầu
Để phần nào phòng tránh, chủ động phát hiện tình trạng tử cung bị vỡ, các thai phụ nên tham khảo một vài biện pháp sau:
- Giữ tinh thần thoải mái, không nên để rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.
- Duy trì khám thai định kỳ, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi các biểu hiện bất thường của cơ thể, cũng như thai nhi để thăm khám, xử lý kịp thời.
- Những người có sẹo tử cung nên chờ ít nhất là 3 năm mới nên mang thai lại.
- Trường hợp bà bầu có khung xương chậu hẹp, sinh con nhiều lần, chiều cao tử cung khoảng 34 cm nên chọn những bệnh viện sinh con ở tuyến trên.
Mẹ bầu hãy duy trì khám thai định kỳ để bảo vệ sức khỏe của chính mình và thai nhi
Như vậy, bài viết của MEDLATEC đã chia sẻ các thông tin cần biết về tình trạng vỡ tử cung. Đây là một biến chứng nguy hiểm mà mẹ cần cần lưu ý. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, chị em hãy xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, chú ý khám thai định kỳ tại cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ với MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ chi tiết hơn.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/vo-tu-cung-bien-chung-san-khoa-dac-biet-nguy-hiem