20 năm làm nghề, anh đã hái được quả ngọt, thành công. Và như anh nói, trên con đường cô đơn vẫn sẽ gặp những con người cô đơn khác có cùng chung chí hướng với mình, trong đó có cả 4 nhạc sĩ tài danh của “Bộ tứ sông Hồng”…
– Nhìn lại tôi thấy mình quá may mắn khi cách đây hai năm đã kịp tổ chức liveshow tôn vinh “Bộ tứ sông Hồng”với 4 nhạc sĩ tài danh Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến. Nếu tôi cứ chần chừ đến năm nay mới tổ chức thì sẽ bị thiếu mất nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Tôi đã từng đăng tải clip trên facebook hình ảnh tôi gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thụ, Nguyễn Cường và cố nhạc sĩ Phó Đức Phương. Hôm đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương hát, tôi và nhạc sĩ Nguyễn Cường múa xuyến điên đảo như trẻ thơ. Tôi hiểu rằng, được gặp nhau trong cuộc đời này là đáng quý vô cùng. Chúng ta bỏ qua những hiềm khích, những hiểu lầm về nhau trong cuộc sống. Thực sự thì trong cuộc sống cũng có những lúc xảy ra chuyện này, chuyện kia, vì tuyên ngôn của chính mình với lòng tự tôn rất cao có thể gây ra ức chế, hiểu lầm cho người khác. Vì tôn chỉ nghệ thuật, vì cái tôi nghệ sĩ quá lớn khiến sự việc xảy ra và chúng ta phải trả giá cho điều đó.
Tôi nhận thấy các chú chơi với nhau bởi các chú hiểu nhau, chấp nhận cả cái tốt và cái xấu của nhau. Và điều này khiến tôi nhận thức, để người bạn của mình tốt lên, không có cách nào khác là hoàn thiện chính bản thân mình, chứ không vì cái tôi, bản ngã của mình.Không nên chấp ngã nặng nề, tất cả mối quan hệ của chúng ta đều có thể điều chỉnh. Chúng ta nên sống hài hoà, sống quan tâm, nhân văn hơn thì tự khắc cuộc sống sẽ thấy thi vị. Sự quý trọng trong cuộc đời này có thể hiếm nhưng vẫn có và nó vẫn là điều đẹp đẽ nhất mà người ta nhận ra khi đã mãn nguyện đi hết sứ mệnh.
4 nhạc sĩ mỗi người một cá tính âm nhạc, và đều rất khó tính mà ca sĩ nào làm việc cùng cũng rất e ngại. Trong khi anh làm việc với cả 4 nhạc sĩ cùng lúc. Vậy Tùng Dương có “chiêu” gì, đặc biệt trong việc chọn bài, biên tập bài hát của 4 nhạc sĩ?
– (Cười) Tôi phải có “chiêu” chứ. Khi biên tập các bài hát, tôi biết thể nào cả 4 chú cũng sẽ điện thoại hỏi tôi nên tôi… tắt điện thoại và trốn.
Đùa vậy thôi, tôi muốn tạo dấu ấn của riêng mình và đặc biệt là muốn cả 4 nhạc sĩ sẽ bất ngờ trong đêm nhạc của mình. Hơn nữa, đến một ngưỡng nào đó cả 4 nhạc sĩ có một lòng tin rất lớn, chắc hẳn tôi phải có uy tín thế nào đó thì cả 4 nhạc sĩ mới giao những đứa con tinh thần cho tôi.
Lúc đó, cả 4 nhạc sĩ nói với tôi: “Con phải phân bố bài thế nào mà cả 4 người đều công bằng, không ông nào được hơn ông nào, như vậy mới là giỏi. Và phải tôn vinh được 4 nhạc sĩ, màu sắc của ông nào ra ông đấy, nếu không làm được như vậy thì thôi đừng có làm”. Khi nghe cả 4 nhạc sĩ nói vậy, tôi áp lực vô cùng.
Tôi đã biên tập, chọn bài để khán giả có thể nhìn thấy một nhạc sĩ Nguyễn Cường lúc nào cũng chói chang như mặt trời và hào sảng, hùng vĩ như núi rừng. Ông là nhạc sĩ khai thác chất liệu văn hoá dân gian đến tận cùng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng giống như nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông khai thác triệt để lòng tự tôn dân tộc trong tác phẩm của mình. Nó phơi phới rộng mở và cũng có sự bí ẩn như chính chiếc mũ phớt của ông. Những bài hát như “Mái đình làng biển”, “Hò biển”, “Đàn cầm dây vũ dây văn”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Ly café Ban Mê”…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương mộc mạc, dung dị nhưng vẫn đầy mê đắm, cực kỳ trăn trở về quê hương, nguồn cội. Các ca khúc như “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Không thể và có thể”, “Về quê”, “Chảy đi sông ơi”… là những bài hát nói về chiều dài lịch sử, là vẻ đẹp quê hương đất nước, là âm nhạc dân gian đã thấm vào máu thịt xương tủy của ông.
Nhạc sĩ Trần Tiến mang tính triết lý cao về thân phận con người, về sứ mệnh cuộc đời. Nhạc sĩ viết về những mặt trái của cuộc sống, viết về những thăng trầm của chính mình như là một chuyến du ca của cuộc đời ông vậy. Những sáng tác sau này của chú Tiến mang hơi hướng triết lý nhà Phật như “Mưa bay tháp cổ”, “Sen hồng hư không”, “Ra ngõ tụng kinh”… Có lẽ sự tĩnh tại và giác ngộ Phật pháp là điều mà cả chuyến hành trình du ca ông luôn kiếm tìm và đã tìm thấy?! Con người khi gần với thiên nhiên, cây cỏ, bỏ qua hết những muộn phiền, những hỉ, nộ, ái, ố và buông bỏ hết để cảm thấy an nhiên.
Nhạc sĩ Dương Thụ lãng mạn, bay bổng, nhẹ nhàng và tinh khiết, trong lành. Trong âm nhạc của chú, mọi người có thể cảm nhận nó âm tính vì viết về người phụ nữ rất nhiều. Những bóng hồng trong âm nhạc của chú Dương Thụ rất nhiều, nhưng tôi lại nhìn thấy trong đó là suy nghĩ của một người đàn ông từng trải, dám đối mặt với nỗi buồn, nỗi cô đơn thường trực và ca ngợi sứ mệnh của người phụ nữ trong cuộc đời. Những tác phẩm như “Họa mi hót trong mưa”, “Cho em một ngày”, “Em đi qua tôi”, “Hơi thở mùa xuân”… là những bài hát rất đẹp và nhiều màu sắc tình yêu nhưng cũng bất diệt, mạnh mẽ.
Sau khi chương trình kết thúc, cả 4 nhạc sĩ đều rất vui và lên sân khấu chúc mừng tôi. Cố nhạc sĩ Phó Đức Phương ôm tôi còn ghé tai bảo “cậu biên tập bài tốt lắm, sau này tớ làm liveshow, cậu biên tập bài cho tớ”. Và đúng là đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” của ông, tôi đã biên tập bài hát cho ông.
Tôi nghĩ đó là những giá trị rất lớn, những giây phút trên sân khấu đều là thật tâm. Cái nắm tay chặt, nụ cười hạnh phúc, sự sẻ chia là tình cảm trân quý dành cho nhau và đó sẽ là những khoảnh khắc mãi mãi được ghi nhớ. Đấy là giá trị lớn nhất của cuộc đời, không phải chúng ta kiếm được bao tiền, bao nhiêu ngôi nhà, mà đó là tình người, giữa con người với con người.
Nhìn lại con đường âm nhạc của Tùng Dương, có vẻ bài hát càng khó lại càng được Tùng Dương thích thú và khai phá?
– Chính xác, khi nhạc sĩ đưa bài hát cho tôi, nếu càng gai góc tôi càng thích, càng muốn khai phá. Lần đầu tiên nhạc sĩ Lê Minh Sơn đưa cho tôi ca khúc “Ôi quê tôi”, tôi đọc bản nhạc, xướng âm và hát luôn, nhạc sĩ Lê Minh Sơn ngồi nghe và bảo: “Cậu hát làm tôi nổi cả da gà”.
Sau đó một tuần tôi đi thu âm ca khúc này và hát trong chương trình của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Khi tham gia cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, tôi đã tái hiện ca khúc này và lúc đó thực sự cả nước mới biết đến Tùng Dương.
Một số ca sĩ quan niệm khi đã nổi tiếng không bao giờ đi hát đám cưới, bởi cảm giác thiếu tôn trọng ca sĩ. Nhưng cũng có một số ca sĩ nổi tiếng vẫn nhận lời đi hát đám cưới. Vậy với Tùng Dương thì sao?
– Tôi nghĩ khi đã nổi tiếng, là người của công chúng thì người nghệ sĩ sẽ nhận những chương trình phù hợp với âm nhạc của mình. Tuy nhiên, người nghệ sĩ cũng cần nguồn tài chính để tái đầu tư cho nghệ thuật. Với tôi, bạn bè hay công chúng nhìn trên facebook của tôi thấy tôi nay ở chỗ này, mai đã ở chỗ khác, hết hát ở chương trình này lại hát ở chương trình khác.
Thú thực tôi không muốn khoe lên facebook như vậy đâu, nhưng các fan inbox cho tôi rằng: “Anh đi diễn hay hát truyền hình trực tiếp ở đâu thì up (đưa) lên để mọi người biết và còn xem”. Tôi trân trọng tất cả những tình cảm mà fan dành cho tôi, nên tôi đã đưa lên facebook mỗi khi đi diễn.
Còn câu hỏi có dám đi hát ở đám cưới hay không? Thực sự tại sao tôi không dám đi hát ở đám cưới? Tôi dám chứ. Tuy nhiên khi nhận lời, tôi sẽ chọn lọc chương trình chứ không phải nhận ồ ạt. Đó sẽ là đám cưới của những người thân, bạn bè thân hay những người tôi quý trọng. Hơn nữa, những đám cưới mời tôi tới hát, chắc hẳn ở đó sẽ là những người rất yêu nhạc của Tùng Dương.
Dòng nhạc của tôi đắt show lễ hội nhiều hơn là show đám cưới. Ngoài ra, những ca khúc mà tôi hát, tôi may mắn hay được hoá thân vào các vị vua, như Vua Lê, Vua Đinh… Tôi nghĩ đó là cái duyên mà không phải ca sĩ nào cũng được như vậy.
Nói đến chuyện Tùng Dương hiện tại đã khá đắt show, vậy so với thời kỳ đầu đi hát tiền cát–xê chỉ 100 nghìn, thì bây giờ có người đồn tiền cát–xê của anh mua được mấy ngôi nhà…
– (Cười) Khi còn bé đi hát ở phường, quận hay thành phố, tôi đã được trả cát-xê bằng bát phở, gói kẹo. Tôi đã quen với việc đi hát là được nhận quà. Sau này đi hát nhiều hơn thì cát-xê cũng tăng lên. Nhưng tôi xin phép không nói con số cụ thể, bởi nếu tiết lộ, biết đâunhững người cát-xê cao hơn lại cười khẩy, bảo được có từng đó mà cũng khoe.
Tuy nhiên, so với ngày đầu đi hát, đến thời điểm hiện tại cát-xê áng chừng gấp khoảng… 1.000 lần.
Cát-xê là vấn đề quan trọng đối với người nghệ sĩ, nhưng chưa phải là quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là tạo dựng thương hiệu. Người nghệ sĩ có thể tạo dựng thương hiệu theo nhiều cách, có thể đi lên từ nghệ thuật đích thực hay tạo thương hiệu bằng những drama sạch, bài bản, chứ không phải theo kiểu trò bẩn.
Người nghệ sĩ có thể “bày mưu tính kế”, nhưng là để khuyếch trương tên tuổi mình bằng chính chất lượng, thực lực của cá nhân, chứ không phải bằng những trò bẩn, hạ gục đối phương hay nghĩ ra bài bôi xấu để dìm người khác, hoặc đánh tráo những giá trị. Tôi nghĩ đó là những điều đáng lên án và kiểu gì cũng bị xã hội chỉ trích và mất tất cả, trả giá đắt cho những việc mình làm.
Vài năm trở lại đây, nghệ sĩ sử dụng truyền thông nhiều hơn để PR cho sản phẩm, tên tuổi của mình. Tuy nhiên, kết quả truyền thông nhiều khi đi ngược, khiến nhiều nghệ sĩ dở khóc, dở cười. Tùng Dương nghĩ như thế nào về những câu chuyện truyền thông này?
– Tôi không phủ nhận làm truyền thông là cách tốt nhất để người nghệ sĩ quảng bá sản phẩm cũng như tên tuổi của mình. Nhưng truyền thông như thế nào để có hiệu quả lại là vấn đề khiến ê-kíp truyền thông và người nghệ sĩ đau đầu. Nếu truyền thông có chiến lược, tầm nhìn, cho dù có là chiêu trò nhưng là chiêu trò sạch, thì sẽ mang lại kết quả rất tốt cho ê-kíp và người nghệ sĩ đó. Ở đây tôi nói chiêu trò sạch tức là muốn nói đến việc quảng bá tên tuổi bằng chuyên môn, để khán giả tập trung tới chuyên môn, nghề nghiệp của người nghệ sĩ đó.
Còn nếu người nghệ sĩ lạm dụng chiêu trò, PR bằng đời sống cá nhân, chuyện yêu đương, những gì được cho là bề nổi thì kết quả nhận được là bị soi mói, đào bới về đời tư mà không được công chúng quan tâm tới chuyên môn, sản phẩm nghệ thuật. Thậm chí có trường hợp bị tẩy chay, và lúc đó người nghệ sĩ sẽ phải giải quyết lỗi truyền thống rất mệt mỏi.
Đấy sẽ là bài đắt giá cho nghệ sĩ không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh mà ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nữa. Chúng ta nhìn các gương tày liếp đã từng xảy ra để tránh, để làm sao vừa đấu tranh, có tinh thần chiến đấu mạnh nhất nhưng cũng là làm nghệ thuật với tâm sáng nhất.
Một chút câu chuyện về gia đình. Người ta thường thấy Tùng Dương rạng ngời hạnh phúc mỗi khi nói về gia đình với người vợ sẻ chia và cậu con trai kháu khỉnh. Như thể vợ chồng anh luôn đồng quan điểm, chẳng mấy khi bất đồng?
– Trong hôn nhân luôn luôn tồn tại cả mâu thuẫn và đồng quan điểm. Hai vấn đề này luôn đan xen nhau và không bao giờ có hồi kết. Mỗi chúng ta là một cá thể độc lập nên không thể giống nhau hoàn toàn. Vì vậy mà có đôi lúc sẽ vẫn xảy ra chiến tranh, cho dù có đồng quan điểm đến đâu đi chăng nữa.
Tuy nhiên, sau chiến tranh chúng ta hiểu nhau hơn và chúng ta tự điều chỉnh, không đi quá giới hạn của chính mình, cũng như sự kỳ vọng ở bên kia. Cái gì bản chất thì chúng ta phải chấp nhận, hay cái gì chúng ta thay đổi được thì phải ghi nhận. Chứ đừng cố gắng thay đổi tôi thành một con người khác, điều đó không bao giờ làm được.
Vợ chồng nào chẳng có lúc xô bát, xô đũa, nhưng sau đó phải nói với nhau, chỉ ra được tận gốc của vấn đề. Tôi nghĩ trong hôn nhân, người phụ nữ luôn có sức chịu đựng tốt hơn đàn ông, hiểu được tâm tính của đàn ông và họ chấp nhận mặt tốt và mặt chưa tốt.
Nên nếu tình yêu của người phụ nữ đủ lớn thì họ sẽ vượt qua được mọi trắc trở, hôn nhân bền vững. Còn nếu tình yêu của người phụ nữ không đủ lớn thì sẽ ly hôn. Tôi nghĩ, khi đã lập gia đình, có con, thì nên cố gắng vun đắp, nghĩ đến con đầu tiên thay vì như trước đây nghĩ đến cá nhân mình.
Nói đến việc bất đồng, với những lần vạ miệng của Tùng Dương, bà xã đã nói gì?
– Vợ tôi cũng trách tôi nhiều lắm, nói rằng tôi còn trẻ con, thích trưng trổ, thể hiện. Mặc dù vợ tôi rất thương, hiểu và đồng cam cộng khổ với tôi, vợ tôi cũng mong muốn mọi thứ trong cuộc sống được suôn sẻ, êm đẹp. Tuy nhiên, nếu cả cuộc đời cứ suôn sẻ mà không nhận được trái đắng thì sẽ không có những bài học, những kinh nghiệm, cho ta được và mất…
Tôi và vợ cũng có vài lần khắc khẩu dẫn đến những cuộc tranh luận không có hồi kết.Nhưng chúng ta cần chứng minh cho người bạn đời thấy được mình là người như vậy, mình đã cố gắng như thế nào, và cái nào không phải là mình và mình không thể bước qua được ranh giới. Quan trọng là người bạn đời yêu mình, yêu sự nghiệp của mình, biết vun vén gia đình và cùng chí hướng với nhau, tôi nghĩ hôn nhân của tôi chỉ cần như vậy là đủ.
Khi tranh luận căng thẳng, trong gia đình anh ai sẽ là người dừng lại trước?
– Tôi là người dừng trước, vì theo quan điểm của tôi, đàn ông là phải nhường phụ nữ trong mọi lĩnh vực, người chồng nên nhường vợ, đó là điều rất nên. Đàn ông không nên càu nhàu, lèo nhèo, hơn thua với vợ mình. Người chồng nên nói ít làm nhiều, việc làm sẽ là kết quả để vợ mình biết người chồng ra sao.
Theo tôi, cuộc tranh luận đôi khi người chồng im lặng sẽ tốt hơn là nói nhiều, im lặng sẽ hoá giải kể cả những xung đột lớn.
Một chút về con trai anh – bé Voi. Hiện tại Voi đã gần 6 tuổi, vậy Voi đã thể hiện thiên hướng nghệ thuật nào chưa?
– Hiện tại Voi chưa thể hiện rõ thiên hướng thích hát hay thích chơi đàn, tuy nhiên tất cả các bài hát của bố, cháu đều thuộc, ví dụ như bài “Cơn mưa tháng 5″…
Voi cũng có trí nhớ tốt và khá nhạy cảm với những gì cháu biết. Trong MV “Cơn mưa tháng 5” khi hình ảnh của bố xuất hiện, Voi chỉ và nói bố. Nhìn thấy nhạc sĩ Trần Lập nói đó là chú Trần Lập, nhưng đến khi không thấy nhạc sĩ Trần Lập xuất hiện trở lại thì bé thắc mắc ngay chú Trần Lập đâu rồi, vì sao chú không xuất hiện nữa…?
– Xin cảm ơn Tùng Dương và chúc anh tiếp tục thành công với những sản phẩm âm nhạc mới !