Khoảng 15h30 hàng ngày, Khoa chuẩn bị mọi thứ để đẩy xe đậu hũ hấp ra bán tại đường Hoàng Sa, TPHCM. Chàng trai 25 tuổi cho thấy sự nhanh nhẹn, tháo vát, chuyên nghiệp trong từng khâu không kém một người bán bánh lâu năm.
Có những ngày, Khoa bán được 400 miếng đậu hũ, không có thời gian ngồi nghỉ. Khách xếp hàng dài đợi mua được một hộp đậu. Để có được sự đón nhận như hiện tại, Khoa đã trải qua nhiều khó khăn tưởng như không thể vực dậy.
1. Bồng bột của tuổi trẻ và số nợ 100 triệu đồng
Huỳnh Anh Khoa (SN 1998, đến từ Đắk Nông) nghỉ học từ năm lớp 11. Trong khi bạn bè cùng trang lứa bận bịu với bài vở trên giảng đường, Khoa đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống ở thành phố đắt đỏ.
Anh từng thi công trần thạch cao, cơ khí. Sau đó, anh theo con đường game thủ chuyên nghiệp. Chính ngã rẽ này khiến cuộc đời anh bước sang trang mới.
Anh Khoa chia sẻ với phóng viên : “Tôi có tuổi trẻ bồng bột, ham chơi. Khoảng 2-3 năm trước, khi theo con đường game thủ chuyên nghiệp, tôi không tránh khỏi những cám dỗ. Từ đó, tôi lao đầu vào những cuộc chơi nên mới ôm đống nợ.
Con số lên đến 100 triệu đồng. Cũng may bố mẹ tôi dễ tính, khi biết hoàn cảnh, họ không trách mắng, chỉ động viên tôi làm lại”.
Trái ngược với suy nghĩ của phóng viên lúc đầu, Anh Khoa cho thấy nét trưởng thành, lễ phép, biết lo nghĩ cho tương lai qua cuộc nói chuyện. Dù mới 25 tuổi, giọng nói trầm và cách Khoa lo xa khiến người đối diện có cảm giác anh chững chạc hơn chục tuổi.
Khoa cho biết, mỗi lần về quê, câu hỏi anh sợ phải đối diện nhất là: “Dạo này ở thành phố làm gì rồi? Cuộc sống có ổn không?”.
Anh không biết phải trả lời thế nào vì tự thấy bản thân chẳng làm được gì. Trong khi đó, bạn bè anh đều có vợ con, ổn định cuộc sống.
Nhiều lúc, chàng trai SN 1998 còn chạnh lòng khi không có đủ tiền gửi thẻ cào điện thoại về cho bố. Chính những khoảnh khắc đó đã tiếp thêm động lực để Khoa thay đổi cuộc đời.
2. Bán phương tiện di chuyển duy nhất để mưu sinh
Trong lần đi chơi ở An Giang, Anh Khoa tình cờ biết đến món đậu hũ hấp. Nhiều người trẻ tỏ ra tò mò về món ăn này trên mạng xã hội thời điểm đó.
Sau khi tìm hiểu nhu cầu, anh quyết định lập nghiệp, chấm dứt chuỗi ngày làm công ăn lương.
Chàng trai 25 tuổi đã tự tìm hiểu cách làm món ăn và cải thiện từng ngày. Anh thuê mặt bằng với giá 2,5 triệu đồng/tháng, bán từ 16h30 đến 21h30.
Những ngày đầu, chiếc xe đậu hũ của Khoa chưa được khách hàng chú ý đến. Do đó, việc duy trì trở nên khó khăn. Anh đã nhiều lần trăn trở rằng: Liệu mình có nên từ bỏ và quay lại với cuộc sống an toàn hơn?
“Thực sự lúc đó, tôi không đủ vốn để duy trì. Tôi cố gắng vay mượn nhưng không được nên quyết định bán phương tiện đi lại duy nhất để vực dậy”, Khoa kể lại.
Trong những lúc suy sụp, Khoa vẫn may mắn khi có bạn bè, người thân động viên. Nhờ vậy, anh mới cố trụ đến giờ.
Khoa bắt đầu tìm hiểu và tập làm video đăng lên nền tảng mạng xã hội. Nhờ những câu chuyện chân thật, anh cùng chiếc xe đậu hũ của mình được nhiều người biết đến. Nhiều TikToker cũng tới và tự quay video trải nghiệm món ăn.
Dù mới tham gia chơi mạng xã hội này 2 tháng, không ít đồng hương, bạn bè nhận ra Khoa. Họ giúp đỡ anh rất nhiều trong quá trình xây dựng kênh.
Đa số video do Khoa tự đặt máy quay. Đôi khi, anh nhờ người xung quanh ghi lại giúp nếu họ có thời gian rảnh rỗi.
Nhờ đó, khách hàng của chàng trai Đắk Nông ngày càng đông. Miếng đậu hũ hấp muối tiêu chanh của anh có giá 14.000 đồng nếu cho đầy đủ nguyên liệu.
Anh cho biết, lợi nhuận mình có khi trừ hết chi phí khác dao động 1,3-1,5 triệu đồng, ngày cao nhất là 1,7 triệu đồng.
3. Khi bình luận tiêu cực ập đến…
Một ngày của Anh Khoa bắt đầu từ 7h sáng. Anh một mình đi chợ, sơ chế nguyên liệu, nhặt rau răm, lột trứng cút, làm muối ớt… Dọn dẹp xong xe đẩy thì cũng đến nửa đêm.
Khi được nhiều người đón nhận và nổi tiếng trên mạng xã hội, chàng trai SN 1998 không tránh khỏi những bình luận tiêu cực.
Một số người cho rằng, miếng đậu hũ 14.000 đồng là quá đắt. Thậm chí, có người còn hỏi Khoa đã dẹp tiệm chưa?
Khi đối diện với những lời nói ác ý, Khoa không tránh né. Anh thực hiện video để cho mọi người thấy cách bản thân đã bỏ công sức để làm ra món ăn.
Chàng trai bình tĩnh và lan tỏa điều tích cực. Thậm chí, dù lo cho mình chưa xong, Khoa vẫn có ý định giúp đỡ người khác.
Anh Khoa dự định kêu gọi người đồng hành để mở rộng kinh doanh. Trong tương lai, anh mong muốn hướng tới những món ăn truyền thống, đơn giản nhưng gần gũi với mọi người.
Cuối tháng 6 này, mẹ Khoa vào TPHCM để giúp đỡ anh. Khi đó, anh sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn.
Chàng trai Đắk Nông nhắn nhủ: “Trải qua quá nhiều chuyện, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, nếu có mục tiêu nào muốn thực hiện, hãy cứ đứng dậy và thử làm đi. Vì khi làm, mình mới biết được có điều gì mới mẻ đang đợi ở phía trước”.
Nhiều lúc, Anh Khoa tủi thân, hối hận vì nghỉ học sớm. Khi các bạn có kỷ niệm thời đi học, anh đã lo bươn chải cuộc sống.
Tuy nhiên bù lại, Khoa cho biết, thứ quý giá nhất mình nhận được là những trải nghiệm, sự vấp ngã để đứng lên làm lại.