Vợ chồng ông Việt đi du lịch bằng xe máy đến 45 tỉnh thành khắp đất nước và gặp lại đồng đội cũ.
Hai vợ chồng ông Bùi Quang Việt (65 tuổi, Buôn Ma Thuột), cùng là cựu chiến binh, hồi cuối tháng 2 đã thực hiện hành trình dài nhất cuộc đời bằng xe máy, vượt hơn 7.000 km dọc Việt Nam trong hai tháng. Đây là lần đầu ông và vợ đến miền Bắc và chuyến đi xa đầu tiên của họ sau hơn 40 năm kết hôn.
Ông Việt đam mê du lịch từ khi còn trẻ, từng đạp xe đến Huế, vào miền Nam, sang Campuchia. Sau khi lập gia đình, ông tạm gác sở thích để tập trung làm ăn. Hiện cuộc sống ổn định, ông quyết định thực hiện chuyến đi ấp ủ nhiều năm. “Đã lớn tuổi nhưng còn sức khỏe tôi phải tranh thủ đưa vợ đi để sau này không nuối tiếc”, ông nói.
Từ Buôn Ma Thuột, họ đi theo đường ven biển, qua các tỉnh miền Trung lên biên giới phía Bắc. Khi trở về ông Việt chọn đường Hồ Chí Minh. Đến Vũng Tàu, vì thời tiết tháng 4 nắng nóng nên ông bà dừng hành trình để đảm bảo sức khỏe, và trở về nhà. Một số tỉnh Nam Bộ còn lại ông để dành cho chuyến sau.
Là người lính từng tham gia chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam, ông Việt yêu thích các điểm gắn với những cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ông đã đến chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên), Ải Chi Lăng (Lạng Sơn), di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng), khu căn cứ quân sự Khe Sanh (Quảng Trị), khu di tích Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ông cũng viếng thăm và thắp hương tri ân những anh hùng dân tộc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), vua Ngô Quyền (Hà Nội), danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (Hải Dương), nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị).
Cũng trong chuyến đi, ông có cơ hội gặp lại đồng đội cùng tiểu đoàn thời kháng chiến, hiện sống tại Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Phan Thiết. “Giây phút xúc động nhất là khi ngồi ôn lại kỷ niệm một thời mưa bom bão đạn. Mỗi đồng đội kể những kỷ niệm khác nhau. Chúng tôi đều vui vì đất nước đã thống nhất”, ông nói.
Vợ chồng ông Việt thường dành hai đến ba ngày để tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng tại mỗi tỉnh, thành. Ông ấn tượng nhất là cây cầu Thiên Sinh ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. Cầu là ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, dài chỉ hơn 2 m, bắc ngang khe nứt của một tảng đá. Phía dưới cầu là suối Lũng Pô, giao với sông Hồng trước khi chảy vào đất Việt.
Đi đúng mùa hoa mận, hoa lê, hoa ban ở vùng núi phía Bắc nên hai ông bà lưu luyến không muốn rời. Lào Cai cũng là nơi họ ở lại lâu nhất, khoảng một tuần. Tại đây, ông bà đã qua cửa khẩu Lào Cai sang Hà Khẩu (Trung Quốc) chơi nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, chinh phục đỉnh Fansipan.
Họ thường ở các nhà nghỉ bình dân, chủ yếu ăn hàng. Thi thoảng bắt gặp những khu chợ cóc trên đường, họ mua ít thức ăn rồi nấu ở ven đường bằng bếp, nồi mang theo. Trung bình, chi phí cho mỗi ngày khoảng một triệu đồng. Tổng chi phí hơn 60 triệu đồng.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông Việt đã tìm hiểu về các điểm du lịch và lên kế hoạch trước. Ông cũng kiểm tra, thay và bảo dưỡng kỹ từng bộ phận xe. Hành lý chủ yếu là quần áo ấm, áo giữ nhiệt, các dụng cụ y tế để sơ cứu tạm thời, các loại thuốc thường sử dụng hàng ngày như hạ sốt, huyết áp, đau bụng.
Theo ông, đi du lịch hiện tiện hơn thời ông còn trẻ nhờ có công nghệ hỗ trợ: ứng dụng tìm đường trên điện thoại, mạng xã hội để tìm thông tin và kinh nghiệm, cần cứu hộ có thể gọi điện thoại. Vì thế, chuyến đi của ông diễn ra suôn sẻ.
Anh Đặng Hùng Mạnh (Bình Phước), người đã bốn lần phượt xuyên Việt bằng xe máy, bày tỏ “khâm phục” vợ chồng ông Việt. Ít người ở tuổi gần 70 như họ thực hiện được chuyến đi qua 45 tỉnh thành trong hai tháng. Không chỉ là du lịch đơn thuần, ông còn đến thăm những đồng đội cũ đã xa cách mấy chục năm. “Một chuyến đi ý nghĩa và xúc động”, anh Mạnh nói.
Anh Mạnh cũng khuyên du khách nên cân nhắc kỹ trước khi đi phượt ở độ tuổi của ông bà Việt. Chạy xe máy trong nhiều ngày rất tốn sức, cần lên lịch trình đi lại, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe.
Vào tháng 3, nhiệt độ ở khu vực miền núi phía Bắc thấp hơn miền Nam khoảng 8-10 độ. Vì tuổi cao, nhiều bệnh nền và di chuyển qua những vùng khí hậu khác nhau nên nhiều lúc vợ ông Việt gặp vấn đề về sức khỏe. Ông phải đưa bà đến phòng khám mỗi khi bà có triệu chứng sốc nhiệt, sốt, tái phát bệnh hen phế quản và đợi đến khi sức khỏe ổn định mới tiếp tục hành trình.
Điều khiến ông Việt hài lòng nhất là phong cảnh, sự yên bình dọc đất nước. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, đường to, nhỏ đều trải bê tông, điện lưới, sóng điện thoại, wifi vào tận các bản làng sâu xa. “Núi rừng có điện thay sao. Nông thôn có máy làm trâu cho người” nay đã thành hiện thực”, ông Việt trích câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.
Quỳnh Mai
Ảnh: NVCC