Khối tài sản hàng nghìn tỷ
Bà Trương Nguyễn Thiên Kim là vợ của ông Tô Hải – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Vietcap(mã VCI) đã đăng ký bán 13 triệu cổ phiếu VCI với mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/9 đến 3/10 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận.
Tạm tính theo thị giá VCI hiện tại, bà Thiên Kim có thể thu về khoảng 600 tỷ đồng nếu hoàn tất thương vụ. Động thái bất ngờ khiến giới đầu tư đổ dồn sự chú ý vào cặp vợ chồng “lắm tiền, nhiều của” này. Khác với ông Tô Hải – cái tên đã quá quen thuộc với giới làm deal tài chính, bà Thiên Kim lại có phần kín tiếng.
Bà Thiên Kim sinh năm 1976 tại Đà Lạt, là thạc sĩ Tài chính, Lưu thông tiền tệ và Tín dụng của Đại học Kinh tế TP.HCM. Bà bắt đầu sự nghiệp từ vị trí nhân viên kiểm soát chất lượng, nhân viên nghiên cứu thị trường, kế toán,… Nữ doanh nhân này từng đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại các doanh nghiệp lớn như PNJ, Ngân hàng Đông Á,…
Trước khi đăng ký bán cổ phiếu, bà Thiên Kim là một trong những cổ đông lớn tại Vietcap với hơn 22,8 triệu cổ phiếu VCI nắm giữ, tương đương 5,17% cổ phần. Ông Tô Hải cũng đang trực tiếp nắm giữ hơn 49,4 triệu cổ phiếu VCI, tương đương gần 11,2% cổ phần. Chỉ tính riêng số cổ phiếu VCI, khối tài sản của cặp vợ chồng Tô Hải – Thiên Kim đã xấp xỉ 3.500 tỷ đồng.
Dấu ấn tại nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán
Ngoài Vietcap, vợ chồng ông Tô Hải và bà Thiên Kim còn là lãnh đạo cấp cao CTCP Sữa Quốc tế (LoF – mã IDP). Tại đây, ông Tô Hải giữ vai trò Chủ tịch HĐQT còn bà Thiên Kim là thành viên HĐQT. Vietcap cũng là một trong những cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 8,8 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 14% vốn LoF.
Đáng chú ý, Vietcap còn đang đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào những công ty “có tiếng” trong lĩnh vực tài chính là trung gian thanh toán được cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Thậm chí là cả công ty tài chính tiêu dùng vào năm 2021 vừa hoàn tất bán 49% vốn điều lệ cho một công ty con do tập đoàn của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.
Với khoản đầu tư vào công ty trung gian thanh toán được cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam có giá gốc 408 tỷ nhưng giá trị hợp lý tính đến cuối quý 2/2024 lên đến gần 600 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản đầu tư vào công ty tài chính tiêu dùng nói trên có giá gốc 161 tỷ đồng.
Công ty trung gian thanh toán nói trên là một định chế tài chính đóng vai trò quan trọng khi đang quản trị và vận hành trung tâm chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử quốc gia, kết nối liên thông mạng lưới hàng chục nghìn máy ATM, hàng trăm nghìn máy POS, trên 100 triệu thẻ của 48 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam…
Trong khi đó, công ty về tài chính là công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu về thị phần tại Việt Nam với khoảng 50%. Công ty tài chính này có đến 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên. Công ty từng được định giá 2,8 tỷ USD vào năm 2021.
Bên cạnh những cái tên kể trên, bà Thiên Kim còn là thành viên HĐQT độc lập CTCP Thương mại Dịch vụ Bến Thành (mã BTT), thành viên Ban kiểm soát CTCP Bến xe Miền Tây (mã WCS).
Đáng chú ý, Thương mại Dịch vụ Bến Thành là pháp nhân có liên quan đến đại gia Nguyễn Cao Trí người đã bị Bộ Công án bắt trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến đại án Trương Mỹ Lan và bị tuyên phạt 8 năm tù giam.
Bà “trùm” trong ngành F&B
Bên cạnh dấu ấn trong giới tài chính, bà Thiên Kim được biết đến là một nhân vật có ảnh hưởng trong ngành F&B. Nữ doanhnhân này hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP D1 Concepts; thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Café Katinat; Chủ tịch HĐQT CTCP Phê La. D1 Concepts cũng sở hữu nhiều chuỗi F&B khác như nhà hàng San Fu Lou, nhà hàng Dì Mai, nhà hàng Nhật Sorae.
Đáng chú ý, hai chuỗi cà phê Phê La và Katinat đang nổi lên mạnh mẽ như là đối trọng của những “ông lớn” như Highlands Coffee, The Coffee House, hay Trung Nguyên. Riêng Katinat sở hữu tổng cộng 73 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó tập trung nhiều ở TP.HCM và đang chiếm 1,35% thị phần cà phê chuỗi cả nước, doanh thu năm 2023 đạt gần 470 tỷ đồng.
Tại Katinat, bà Thiên Kim hiện nắm giữ 3,2 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 84,211%. Các cổ đông khác là ông Lê Ngọc Khánh, đồng sáng lập, nắm giữ 300.000 cổ phần (7,895%) và ông Đinh Việt Hà, nắm giữ 300.000 cổ phần (7,895%).
Tại Phê La, bà Thiên Kim hiện nắm giữ 9,18 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Các cổ đông khác là bà Nguyễn Hạnh Hoa, nhà sáng lập nắm giữ 6,48 triệu cổ phần (36%); ông Nguyễn Hoàng, nắm giữ 2,34 triệu cổ phần (13%). Năm 2023, chuỗi cà phê này đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng vài chục tỷ đồng.
Trước đó, ngày 11/9, Katinat thông báo qua Facebook rằng từ ngày 12/9 đến 30/9, mỗi ly nước bán ra trong hệ thống của họ sẽ trích 1.000 đồng để hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai. Thương hiệu nhấn mạnh rằng, đây là hành động tự nguyện, không nhằm kêu gọi, mà chỉ đơn thuần là sự đóng góp nhỏ bé của họ cho những người gặp khó khăn. Tất cả số tiền trích ra sẽ được công khai và sử dụng để giúp đỡ người dân miền Bắc với kế hoạch cụ thể sẽ được công bố sau đó.
Tuy nhiên, sau khi thông báo này được đăng tải, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự không hài lòng. Họ cho rằng Katinat đang lợi dụng tình hình thiên tai để tăng doanh số bán hàng. Một số ý kiến chỉ trích thời điểm kết thúc chiến dịch vào ngày 30/9 là không hợp lý, vì hoạt động cứu trợ cần phải được thực hiện khẩn trương hơn.
Đến khoảng 16h ngày 12/9, tức khoảng 20 tiếng sau khi thông báo đầu tiên, Katinat đã công bố việc chuyển trực tiếp 1 tỷ đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Ban Cứu trợ Trung ương. Thương hiệu này cũng gửi lời xin lỗi chân thành vì đã tạo ra sự hiểu lầm không đáng có trong chiến dịch hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ.
Nguồn: https://www.congluan.vn/an-so-vo-chong-to-hai-thien-kim-om-khoi-tai-san-hang-nghin-ty-dung-sau-loat-ten-tuoi-dinh-dam-tu-san-chung-khoan-den-chuoi-phe-la-katinat-post312550.html