Đến lúc cần tiền, họ không biết xoay đâu ra. Trong khi đối phương không muốn chi tiền từ quỹ chung hoặc không có để đưa.
Nỗi khổ đưa hết tiền cho vợ, đi đâu cũng chi chung
“Anh làm sao coi được thì làm. Nhà mình sạch trơn tiền rồi. Còn ít tiền tôi đóng tiền học cho con”, chị B.T. (35 tuổi, TP.HCM) lớn tiếng.
Trước cơn giận dữ của vợ, anh H.S. đành nhắn tin cho anh trai. Anh nhắn rằng mình tạm thời không góp tiền cho ba trị bệnh xương khớp.
Trong khi đó, vợ anh mới cầm số tiền lời từ việc buôn bán tuần này. Nếu biếu ba anh một phần nhỏ cũng không ảnh hưởng gì.
Anh S. nói rằng trước giờ vợ anh luôn là tay hòm chìa khóa. Từ ngày làm công ty rồi nghỉ việc và bán hàng, anh luôn đưa hết tiền kiếm được cho vợ.
Ví tiền đi về là anh để trên đầu tủ trong phòng ngủ. Đi đâu vợ chồng cũng đi chung, chi tiêu vợ anh quyết định nên hầu như anh không xài gì.
Vợ anh là người tính toán cặn kẽ nên ít khi chi tiêu gì quá mức, chi cho nhà chồng lại càng hiếm. Nhà ngoại thì anh không rõ vì hỏi sợ vợ buồn.
Sau này, anh mới thấy chuyện không có quỹ riêng là không nên.
Những lúc bàn với vợ góp tiền cho ba mẹ, hoặc cho tiền các cháu, hùn tiền đi du lịch đại gia đình, vợ anh luôn bàn ra hoặc chỉ đưa chút đỉnh.
Trước đây, vợ chồng anh khó khăn, không có tiền đóng góp cho gia đình hai bên. Hơn hai năm nay dù làm ăn khấm khá, chị vẫn giữ tất cả tiền.
Nhiều lần, anh S. quê với người thân, bạn bè. Trong túi anh chẳng bao giờ dư tiền để mời bạn cà phê hoặc cho con tiền ăn bánh. Anh cảm thấy ngột ngạt, còn mọi người chọc anh sợ vợ.
“Phải chi ngay từ đầu tôi nói vợ đưa mình một khoản riêng thì đã không như vậy. Vợ tôi quán xuyến chuyện chi tiêu rất tốt, cũng là vì gia đình. Nhưng tôi thấy mình không có tiếng nói”, anh cho biết.
Có người khuyên anh nói thẳng với vợ về việc này. Nhưng anh biết vợ nóng nảy, nói ra gia đình lại lục đục. Cũng may các anh chị của anh hiểu. Họ không ép anh phải góp tiền những dịp cần, mà chỉ nhắn chung trong nhóm chat gia đình.
Chuyện của anh S. không hiếm. Có những người vợ, người chồng đồng ý để một người giữ tiền, cuối cùng có tình huống bất ngờ lại bó tay vì không có đồng nào.
Quỹ riêng chung đều phải có sự sẻ chia
Ngược lại, gia đình chị Khánh Quỳnh (33 tuổi, ngụ Bình Dương) rất đồng thuận về việc chi tiêu trong quỹ chung và quỹ riêng của hai vợ chồng.
Hai người thường không gom tiền về một mối, mà quy ước những khoản chi. Chị Quỳnh cho biết hằng tháng chồng sẽ lo các chi phí như học phí của con, hóa đơn tiền điện, trả lãi ngân hàng mua căn hộ. Số tiền lương còn lại chồng chị giữ chừng 1 triệu đồng, còn lại đưa chị.
Thu nhập của chị Quỳnh dành lo tiền sữa, ăn uống, đi lại, kèm theo phí chung cư như gửi xe, rác, nước, các khoản lặt vặt khác như hiếu hỉ.
“Dù chồng giữ lại 1 triệu đồng, nhưng có thời điểm anh xài không đủ, tôi vẫn đưa thêm. Thành ra có khi chồng đưa rồi tôi cũng chuyển lại hết”, chị nói.
Trừ các chi phí gia đình, hằng tháng chị Quỳnh tự gửi ngân hàng một khoản riêng. Chị nói để dành trả nợ gốc tiền mua căn hộ, và phòng thân.
Chị cho rằng dù sao trong người vẫn phải có quỹ riêng để chi tiêu khi cần. Còn khi có phát sinh chuyện quan trọng như việc hai bên nội ngoại, mua sắm đồ đạc gia đình, du lịch thì vợ chồng bàn với nhau.
Chẳng hạn, dịp Tết ngoài mua sắm các thứ, vợ chồng chị sẽ trao đổi xem biếu nội ngoại hai bên bao nhiêu. Số tiền biếu như nhau không phân biệt.
“Hoặc em chồng tôi cưới, chúng tôi bàn bạc đi bao nhiêu, thống nhất đi tiền hay mua vàng”, chị cho biết.
Nghĩ về việc có nên có quỹ riêng dự phòng, chị Quỳnh cho rằng quỹ riêng hay chung không phải vấn đề chính. Cái chính là biết chia sẻ với nhau và cùng nhau trao đổi nếu có phát sinh.
“Tôi thu chi cân đối để gửi tiết kiệm. Số tiền đó vừa là để dành trả nợ ngân hàng, vừa để phòng thân trong các trường hợp cần thiết”, chị chia sẻ.
Theo bạn, vợ chồng lập quỹ chung và có quỹ riêng để phòng thân như thế nào cho hợp lý? Bạn có lời khuyên gì cho những người góp hết tiền riêng cho nửa kia lập nghiệp? Mời bạn chia sẻ câu chuyện, bài học về địa chỉ email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vo-chong-cung-co-quy-rieng-gia-dinh-cang-em-am-20240506230522817.htm