Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) dành cho 5G.
Chiều 19-3, tại trụ sở Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 quốc gia đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700MHz – 3800MHz).
Dự buổi đấu giá, có các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long cùng đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Phiên đấu giá băng tần C3 (3700MHz – 3800MHz) bắt đầu lúc 14h25. Sau 17 vòng đấu, doanh nghiệp có mã số 002 là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700MHz – 3800MHz).
Hiện Công ty Đấu giá hợp danh số 5 quốc gia đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao để Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và công bố theo quy định.
Đại diện các đơn vị tham gia phiên đấu giá khối băng tần C2.
Băng tần 3700-3900MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) và các phiên bản tiếp theo; gồm có 2 khối 3700-3800 MHz và 3800-3900 MHz; giá khởi điểm gần 1.957 tỷ đồng/khối.
Tại phiên đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz), còn được gọi là “băng tần vàng”, vào chiều 8-3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đã trúng đấu giá. Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) được tổ chức theo kế hoạch vào ngày 14-3 đã không thành do có một doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Như vậy, với việc trúng đấu giá khối băng tần C2 dành cho 5G, VNPT trở thành nhà mạng thứ hai sở hữu băng tần dành cho 5G thông qua hình thức đấu giá.
Trao đổi với Báo Hànộimới, đại diện VNPT cho biết, việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép VNPT có nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G tốc độ cao nhất tại Việt Nam. Cùng với dải băng tần 3700 -3800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.
Cũng theo đại diện Tập đoàn VNPT, đấu giá băng tần là bước đầu theo quy định của Nhà nước về việc triển khai 5G tại Việt Nam. Sau khi trúng đấu giá băng tần 3700-3800 MHz, VNPT sẽ tích cực chuẩn bị để có thể sớm triển khai thương mại hóa 5G thành công. Đồng thời, VNPT sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng băng tần 3800-3900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng, mà còn đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.
HNM