Sau kiểm toán, số lỗ năm 2022 của CTCP VNG (VNZ) đã lên tới cả nghìn tỷ
CTCP VNG từng được coi là kỳ lân công nghệ của Việt Nam khi chuyển sàn sang UPCoM vào hồi tháng 2 năm 2023 vừa qua đã khiến giới đầu tư choáng váng khi tăng giá phi mã từ 240.000 đồng/cổ phiếu lên tới 1,35 triệu đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá kỷ lục mà một cổ phiếu từng đạt được trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng giá bất thường này, tình hình kinh doanh của VNG lại vô cùng bi đát với khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng ghi nhận trong năm 2022.
Mới đây nhất, BCTC sau kiểm toán của công ty được công bố lại tiếp tục khẳng định điều này khi khoản lỗ ròng của công ty đã tăng thêm 200 tỷ đồng.
Cụ thể thì doanh thu thuần trong năm 2022 của VNG ghi nhận ở mức 7.800 tỷ đồng, giá vốn hàng bán chiếm 4.364 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 3.437 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 44%.
Tuy lợi nhuận gộp đạt được lên tới hàng nghìn tỷ nhưng chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp vô cùng lớn, lần lượt ở mức 2.728 tỷ đồng và 1.579 tỷ đồng đã bào mòn hết lợi nhuận khiến VNG ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 1.077 tỷ đồng.
Khoản lỗ sau kiểm toán này đã tăng thêm 200 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán. Phần lớn chênh lệch nằm ở chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 9% so với BCTC tự lập. Ngoài ra, VNG cũng đang trích lập gần 2,7 nghìn tỷ đồng cho công ty con.
Cổ phiếu VNZ của CTCP VNG bị hạn chế giao dịch
Vừa qua, cổ phiếu mã VNZ của CTCP VNG đã bị Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 kể từ ngày 25/5/2023. Với quyết định này, cổ phiếu VNZ sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Trước thông báo trên, phía công ty VNG đã giải trình nguyên nhân chậm trễ nộp BCTC kiểm toán là bởi công ty phải thực hiện song song BCTC theo 2 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Quốc tế (IFRS).
Thông tin trên cũng đã khiến giá cổ phiếu VNZ biến động nhẹ. Trong phiên giao dịch ngày 31/5/2023, giá cổ phiếu VNZ đang ghi nhận ở mức 771.900 đồng/cổ phiếu, giảm gần một nửa so với đỉnh đạt được hơn 1,3 triệu đồng/cổ phiếu vào hồi tháng 2 vừa qua.
Giá cổ phiếu tăng trần khi chủ tịch bị miễn nhiệm, công ty kinh doanh thua lỗ cả nghìn tỷ đồng
Tình trạng thua lỗ của VNG trái ngược hoàn toàn với đà tăng giá cổ phiếu của công ty và đạt đỉnh điểm với khoản lỗ lên tới 547 tỷ đồng trong quý 4 năm 2022. Sang đến quý 1 năm 2023, khoản lỗ sau thuế của công ty đã giảm xuống chỉ còn 90 tỷ đồng.
Tính tới hết quý 1 năm 2023, tổng tài sản của công ty đạt 8.976 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó nợ phải trả chiếm 3.954 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 5.022 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm khoảng 2.749 tỷ đồng.
Một diễn biến đáng chú ý khác xảy ra ngay trước thời điểm tăng giá bất thường của mã VNZ đó là vào đầu tháng 2 năm 2023, Chủ tịch HĐQT của CTCP VNG là ông Lê Hồng Minh đã bất ngờ bị miễn nhiệm, người thay thế là ông Võ Sỹ Nhân, được chỉ định thay thế ông Minh từ ngày 1/2/2023.
Ông Lê Hồng Minh từng là nhà sáng lập và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VNG từ ngăm 2004 đến nay. Ông Minh cũng là cổ đông lớn nhất của công ty với sở hữu lên tới 10% cổ phần, đồng thời đại diện cho 8% cổ phần.
Về phần ông Võ Sỹ Nhân, người thay thế ông Minh thì ông Nhân cũng là 1 trong 4 thành viên HĐQT độc lập được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Ông Nhân cũng là Giám đốc điều hành của Empire City, đồng sáng lập quỹ GAW NP Capital, đồng thời là Phó chủ tịch của Công ty Tiến Phước.